Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển nhà ở xã hội
Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương triển khai nhiều chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, bước đầu đạt kết quả tích cực; nhiều dự án góp phần giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, nhất là đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp,...
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 đặt ra mục tiêu hoàn thành 8.600 căn hộ nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở giá rẻ. Đến nay, đã có bốn dự án chung cư nhà ở xã hội được triển khai với gần 1.800 căn hộ, như vậy để hoàn thành mục tiêu, trước mắt vẫn còn chặng đường dài.
An cư cho người nghèo
Qua hơn 9 năm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ (chương trình 30.000 tỷ đồng), các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mua, xây dựng nhà ở ổn định.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê nhà ở xã hội được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất 6%/năm trong năm 2013 và 5%/năm từ năm 2014 từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Khách hàng được vay với thời gian tối đa từ 5 đến 15 năm tùy đối tượng, thông qua bốn ngân hàng lớn. Chương trình bắt đầu từ ngày 1/6/2014 và kết thúc giải ngân đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp ngày 1/6/2016 và nhóm khách hàng cá nhân ngày 31/12/2016.
Sau nhiều năm triển khai chương trình 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay hỗ trợ nhà ở 342 cá nhân vay vốn, dư nợ 103 tỷ đồng và một chủ đầu tư nhà ở xã hội (Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Xuân Phú đầu tư giai đoạn 1 dự án chung cư Xuân Phú) với dư nợ 55,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản Vicoland cũng vay tại ngân hàng BIDV Hà Nội với dư nợ còn lại 34,3 tỷ đồng. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình còn 20,324 tỷ đồng đối với 196 khách hàng cá nhân.
Để tiếp sức cho chương trình nhà ở xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Chương trình được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai từ năm 2018 với lãi suất cho vay 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà nói chung.
Tiếp tục triển khai các dự án nhà ở xã hội, tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 8.600 căn nhà ở xã hội. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh chấp thuận đầu tư, xây dựng 5 dự án nhà ở xã hội, với quy mô diện tích 17,44 ha, 6.238 căn hộ; trong đó, có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020-2021 có diện tích đất hơn 11 ha và 3.480 căn hộ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, chủ trương của tỉnh là khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời, có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
“Tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức xây dựng dự án bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chấp hành đúng các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt; chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa”, ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.
Tháo gỡ nút thắt
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế đánh giá, đến nay mới có 4 dự án chung cư nhà ở xã hội được triển khai với gần 1.800 căn hộ, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội của người dân là rất lớn, cung chưa đáp ứng cầu.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế khẳng định, các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã góp phần quan trọng giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp.
Tuy vậy, chỉ có 342 khách hàng được tiếp cận với nguồn vốn vay từ chương trình 30.000 tỷ đồng. Số liệu báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cho thấy, từ năm 2018 khi ngân hàng triển khai cho vay nhà ở xã hội đến 15/11/2023, tổng dư nợ của chương trình này hơn 333 tỷ đồng, với 936 khách hàng còn dư nợ.
Điều đáng nói, trong số 936 khách hàng vay vốn, đối tượng vay chủ yếu là khách hàng xây dựng, sửa chữa nhà ở. Số hộ vay để mua nhà chỉ chiếm rất ít trong tổng số gần 1.250 căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã bàn giao.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ các “nút thắt” trong phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành quy định liên quan để gỡ vướng trong các dự án nhà ở xã hội, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án; sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi như giá bán, ưu đãi dành 20% diện tích sàn nhà ở, quy định đối tượng mua nhà để thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế ưu đãi hơn, tạo môi trường hấp dẫn để các nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư nhà ở xã hội; có giải pháp lựa chọn đối tượng mua nhà phù hợp, sát điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm bố trí kinh phí cho việc đầu tư ngoài hàng rào đối với các dự án nhà ở xã hội, thúc đẩy việc kêu gọi đầu tư.
Mới đây, tỉnh đã phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C khu chung cư Đống Đa, phường Phú Nhuận, thành phố Huế.
Khu chung cư này có quy mô hơn 8.600 m², dân số hơn 2.000 người; bao gồm các căn hộ tái định cư, căn hộ thương mại kết hợp khu kinh doanh, dịch vụ và tiện ích xã hội. Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế đang phối hợp với phường Phú Nhuận và chủ đầu tư tiến hành lập thủ tục chi trả tiền hỗ trợ và tiếp nhận bàn giao mặt bằng sạch từ các chủ căn hộ theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, để phát triển nhà ở xã hội đúng thực chất và hiệu quả, người đứng đầu các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể đầu tư các dự án theo từng năm và từng giai đoạn đến năm 2030 bảo đảm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn; nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.