Thúc đẩy áp dụng Kaizen tại các làng nghề

Cẩm An

Doanh nghiệp trong các làng nghề đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Áp dụng công cụ cải tiến Kaizen trong quản lý sản xuất là một giải pháp tốt để phát triển bền vững các làng nghề.

Sự khốc liệt của cạnh tranh trên các thị trường mới, thị trường nước ngoài buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sự khốc liệt của cạnh tranh trên các thị trường mới, thị trường nước ngoài buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đối mặt nhiều khó khăn đặc thù

Việt Nam hiện có hơn 5.000 làng nghề đang thu hút hơn 10 triệu lao động. Các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chủ yếu tập trung trong các ngành thâm dụng lao động sản xuất các sản phẩm như dệt, may, gốm sứ, đồ gỗ, thêu, mây tre đan, sắt thép  đơn giản, sơn mài…

Phần lớn các cơ sở sản xuất trong làng nghề có quy mô nhỏ và rất nhỏ, trong đó nhiều cơ sở có quy mô hộ gia đình. Một số cơ sở đã phát triển thành các doanh nghiệp có quy mô vừa và một số rất ít đã trở thành những doanh nghiệp lớn. 

Những người quản lý của các cơ sở trong các làng nghề thường có trình độ học vấn không cao và rất ít người đã từng được đào tạo về các kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Khi quy mô sản xuất còn nhỏ, những kinh nghiệm quản lý được truyền lại từ thế hệ trước vẫn phát huy tác dụng. Đối với những cơ sở này, người chủ thậm chí còn không nhận thức được tầm quan trọng của các kiến thức, kỹ năng quản lý mới, hiện đại.

Tuy nhiên, khi quy mô sản xuất tăng lên, số lượng lao động nhiều hơn, khi các cơ sở chuyển sang sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn, có chất  lượng cao hơn, những kinh nghiệm quản lý trước đây không còn đủ cho  các cơ sở. Nhu cầu về phương thức, công cụ quản lý mới, hiện đại, có hệ thống tăng lên cùng với quy mô của các doanh nghiệp.

Sự khốc liệt của cạnh tranh trên các thị trường mới, thị trường nước ngoài buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả của quá trình sản xuất để có thể tồn tại và phát triển.

Cho dù những đòi hỏi này xuất phát từ nhu cầu nội tại khi doanh nghiệp lớn lên hay do áp lực cạnh tranh tạo ra thì dần dần các nhà quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp ở các làng nghề nhận thức được vai trò sống còn của những phương thức quản lý mới, hiện đại, có hệ thống đối với sự tồn tại và phát triển của doanh  nghiệp.

Đáng chú ý, doanh nghiệp trong các làng nghề phải đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức mang đặc thù riêng như: Thiếu hụt lao động có tay nghề, có kỷ luật lao động và có tác phong lao động công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp trong các làng nghề đang phải sử dụng lao động chưa qua đào tạo, một phần là lao động những lúc nông nhàn, không phải là lao động công  nghiệp.

Do vậy, trình độ, năng lực, kỹ năng và đặc biệt là thái độ, tính kỷ luật, sự cam kết của lao động trong các doanh nghiệp làng nghề thường ở mức rất thấp. Lao động trong nhiều doanh nghiệp ở các làng nghề thường xuyên thay đổi chỗ làm, tỷ lệ nhảy việc cao, không gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp.

Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thay đổi, áp dụng những phương thức quản lý mới khi những phương thức quản lý mới đó đòi hỏi phải có sự tham gia của người lao động, đòi hỏi sự cam kết cao của người  lao động...

3 lý do các làng nghề nên áp dụng Kaizen

Kaizen là một triết lý kinh doanh, sản xuất nổi tiếng của Nhật Bản. Trong Nhật ngữ, Kaizen được ghép bởi 2 từ: Kai - liên tục và Zen - cải tiến. Theo đó, triết lý Kaizen có nghĩa là luôn hướng đến sự cải tiến liên tục, nỗ lực không ngừng dựa trên những gì có sẵn của toàn bộ cá nhân trong một doanh nghiệp, từ các bộ phận cấp cao đến các nhân viên.

Một vài mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen thành công có thể lan toả và thay đổi các doanh nghiệp khác trong làng nghề.
Một vài mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen thành công có thể lan toả và thay đổi các doanh nghiệp khác trong làng nghề.

Điều này nhằm mục đích đảm bảo mọi hoạt động, môi trường làm việc luôn được cải tiến, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, tiết kiệm chi phí, nguồn lực...  

Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng đánh giá, áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong quản lý sản xuất là một giải pháp tốt  để phát triển bền vững các làng nghề.

Thứ nhất, Kaizen là công cụ giúp doanh nghiệp quản trị tinh gọn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng được các đòi hỏi của các doanh nghiệp trong các làng nghề.

Thứ hai, việc áp dụng Kaizen có tính khả thi cao đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì việc áp dụng không đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn.

Công cụ cải tiến Kaizen có nhiều mức độ phức tạp khác nhau và ở những mức độ nhất định có thể dễ dàng triển khai ở các doanh nghiệp. Điều này phù hợp với các doanh nghiệp ở các làng nghề do các doanh nghiệp này có rất nhiều hạn chế.

Thứ ba, do đặc tính liên kết, chia sẻ, tính cộng đồng cao và do sự tập trung về  mặt địa lý của các doanh nghiệp trong làng nghề, việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen sẽ lan toả nhanh hơn so với việc đào tạo từng doanh nghiệp đơn lẻ không nằm trong làng nghề.

Một vài mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen thành công có thể lan toả và thay đổi các doanh nghiệp khác trong làng nghề. Do đó, việc nhân rộng áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong các làng nghề có tính khả thi cao hơn.