Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước


Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một giải pháp quan trọng để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã và đang góp phần quan trọng trong tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhờcải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó quyết liệt thúc đẩy đầu tư công và giải ngân nhanh nguồn vốn này được coi là “cú hích” cho nền kinh tế nhanh chóng hồi phục. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 109.600 tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo động lực phục hồi nền kinh tế, với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước cũng linh hoạt trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với hai cơ chế kiểm soát là “Kiểm soát trước, thanh toán sau” và “Thanh toán trước, kiểm soát sau”. Đồng thời, rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành.

Đối với các khoản thanh toán còn lại, Kho bạc Nhà nước quy định tối đa không quá 3 ngày làm việc. Đây là bước cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng.

Bên cạnh đó, từ năm 2018, Kho bạc Nhà nước chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã có gần 100% lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 nghìn giao dịch, cao điểm lên tới hơn 400 nghìn giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Hiện tại, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7 qua dịch vụ công trực tuyến (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là những con số cho thấy việc Kho bạc Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng đã hình thành kênh giao dịch điện tử, đồng thời là bước cải cách hành chính mạnh mẽ góp phần thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công. Điều này giúp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị, công khai minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, chứng từ chi ngân sách.

Từ thực tế tại Thanh Hóa, ông Phạm Quốc Thành, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa là hơn 9.300 tỷ đồng nhưng 3 tháng đầu năm, đã giải ngân được hơn 1.860 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch giao. Tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung của cả nước, giúp Thanh Hóa giữ vững vị trí trong nhóm 10 tỉnh và thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước.

Theo ông Nguyễn Tuấn Vinh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, để có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cải tiến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh dịch vụ công trên nền tảng 4.0. Tại Thanh Hóa, dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai 100% trên địa bàn với khoảng 3.500 đơn vị, đạt 99%.

Dịch vụ công trực tuyến của hệ thống Kho bạc Nhà nước đã giúp cho các chủ đầu tư tránh phải đi lại nhiều lần và kết quả giải ngân có ngay trong ngày. "Dịch vụ này phù hợp với giai đoạn dịch bệnh hiện nay, có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7, kể cả ngày nghỉ/ ngày lễ tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet", ông Phạm Quốc Thành cho biết.

Cùng quan điểm, Ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, qua dịch vụ công trực tuyến có thể biết được tình trạng hồ sơ, đã được giải quyết như thế nào, để từ đó nếu có vướng mắc sẽ kịp thời sửa chữa và chuyển cho kho bạc.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho khách hàng, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chữ ký số đã tăng cường tính bảo mật, tránh việc giả mạo chữ ký, con dấu của đơn vị, giúp khách hàng cũng như Kho bạc Nhà nước có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Trong thời gian tới, Kho bạc Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho khách hàng qua đa kênh, bao gồm cả kênh mobile.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai phân hệ lưu trữ điện tử đối với hồ sơ kiểm soát chi được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện, tăng cường bảo mật thông qua công nghệ sinh trắc học để đảm bảo người kiểm soát thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn tình trạng làm thay, làm giúp dẫn tới mất an toàn tiền, tài sản của nhà nước.

Đặc biệt, sắp tới hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước sẽ kết nối với mạng đấu thầu quốc gia đang được xây dựng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ kiểm soát chi đầu tư theo thông lệ quốc tế. Với việc thực hiện hệ thống này các đơn vị sử dụng ngân sách chủ đầu tư không cần gửi hợp đồng thanh toán đến Kho bạc Nhà nước sẽ giúp cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công nhanh và đơn giản hơn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, hy vọng công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt tỷ lệ cao nhất khi hết năm ngân sách.

Bài đăng từ Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022