Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài năm 2020
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó gồm cả phần vốn ODA và ưu đãi được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, có một thực tế là tiến độ giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi trong những năm gần đây đang có xu hướng giảm dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các biện pháp quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn nay. Bài viết nhằm mục tiêu làm rõ thực trạng giải ngân vốn vay nước ngoài và đề xuất một số giải pháp liên quan đến các cơ quan quản lý và theo dõi giải ngân vốn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi trong năm 2020.
Tình hình giải ngân kế hoạch vốn của Việt Nam năm 2019
Tình hình giao kế hoạch vốn 2019
Năm 2019, tổng số kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2019 được Quốc hội quyết định là 60.077 tỷ đồng. Kế hoạch vốn ngoài nước nguồn chi thường xuyên là 4.677 tỷ đồng. Kế hoạch vốn nước ngoài phần cho vay lại chính quyền địa phương được phê duyệt là 17.172 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2019, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều đợt giao kế hoạch vốn, có đợt vào ngày 31/12/2019, cho các bộ, ngành, địa phương với tổng số tiền đã giao là 52.943 tỷ đồng, chiếm 88,12% tổng số kế hoạch vốn được Quốc hội giao. Trong số này, kế hoạch vốn giao cho các bộ ngành trung ương là 20.261 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,27%; kế hoạch vốn giao cho các địa phương là 32.682 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,73%.
Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2019
Tính đến ngày 15/4/2020, số liệu giải ngân của các bộ, ngành, cơ quan trung ương là 7.893 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,96% so với tổng số kế hoạch vốn năm 2019 được giao cho bộ, ngành trung ương. Số liệu giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương đạt 8.628 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,39% so với tổng số kế hoạch vốn năm 2019 được giao cho địa phương.
Số vốn được chuyển sang năm 2020
Tổng số kế hoạch vốn 2019 được chuyển là 4.573,7 tỷ đồng theo Quyết định số 2170/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được giải ngân đến hết ngày 31/12/2020. Số liệu này chưa bao gồm số đã rút về tài khoản đặc biệt của tất cả các cấp thực hiện dự án, đang trong quá trình hoàn chứng từ, và được phép chuyển nguồn theo quy định.
Đánh giá về tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài năm 2019 và các giải pháp đã thực hiện
Ngay từ những tháng đầu năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn nước ngoài, cụ thể như: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1042/CĐ-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019…; Tổ chức hội nghị 6 nhà tài trợ mở rộng vào tháng 7/2019; Tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc giải ngân vốn nước ngoài cho đầu tư công vào tháng 9/2019.
Về phía các bộ, ngành, địa phương và chủ dự án: Tính đến ngày cuối cùng của cuối năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để đảm bảo phân bổ cho được tối đa trong phạm vi dự toán được Quốc hội giao từ đầu năm. Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát phương án phân bổ kế hoạch vốn được giao và nhập dự toán vốn trên Tabmis để các dự án có cơ sở thanh toán; đồng thời chủ động thực hiện đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đã được giao để bám sát với khả năng thực hiện các dự án.
Về phía Bộ Tài chính đã triển khai các công việc sau:
- Đã tổ chức hội nghị giải ngân với 6 nhà tài trợ lớn vào tháng 6/2019; đồng thời tổ chức 02 hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành vào tháng 6, tháng 9/2019 và 3 hội nghị với các địa phương vào tháng 7/2019 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Thông báo số 750/TB-BTC ngày 13/9/2019 chỉ đạo toàn hệ thống tài chính - kho bạc thực hiện các nhiệm vụ nhằm tiếp tục đôn đốc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019.
- Định kỳ 15 ngày, bắt đầu từ 15/10/2019, Bộ Tài chính đã thực hiện công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính; và yêu cầu 3 bộ ngành, 10 địa phương có số giải ngân thấp nhất có giải trình rõ nguyên nhân.
- Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc, tháo gỡ cho các bộ, ngành địa phương để giải quyết vấn đề chậm giải ngân, điều chỉnh kế hoạch vốn cho sát tiến độ triển khai dự án.
- Đã tổ chức 25 đoàn kiểm tra giám sát các dự án, đặc biệt các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc/và phát sinh vướng mắc để xử lý theo thẩm quyền.
- Để đảm bảo hoàn thành việc giải ngân thanh toán vốn 2019 theo đúng Luật Ngân sách nhà nước, ngày 14/01/2020, Bộ Tài chính đã có công văn số 480/BTC-QLN đề nghị các cơ quan tiếp tục chỉ đạo các chủ dự án trực thuộc khẩn trương rà soát đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ giải ngân vốn vay nước ngoài thuộc kế hoạch vốn năm 2019.
Mặc dù với nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, bao gồm cả việc bổ sung kế hoạch vốn vào những ngày cuối cùng của năm 2019 nhưng qua đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân nguồn vốn nước ngoài năm 2019 vẫn chỉ ở mức thấp (ở mức 31,32% so với dự toán được giao). Do đó, tình hình trên đặt ra nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngoài nước năm 2020 là rất lớn, đặc biệt năm 2020 là năm cuối cùng của giai đoạn trung hạn 2016-2020.
Về tình hình giao kế hoạch vốn 2020 và giải ngân kế hoạch vốn năm 2020
Luật Đầu tư công năm 2019 đã có hiệu lực từ 01/01/2020, theo đó điểm khác biệt cơ bản của việc giao kế hoạch từ năm 2020 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các Bộ, ngành và địa phương theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định; các bộ, ngành và địa phương phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho từng dự án. Như vậy, về cơ chế, Chính phủ đã nới lỏng hơn quy định việc phân bổ vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, sát với tình hình thực tế triển khai tại Bộ, ngành, địa phương.
Về giao kế hoạch vốn năm 2020
Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng trong đó số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương và nhập vào hệ thống Tabmis là 56.700 tỷ đồng, trong đó: Dự toán giao cho các bộ, ngành trung ương là 18.216 tỷ đồng; dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỷ đồng. Về dự toán vốn nước ngoài phần cho vay lại địa phương là 26.542 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ phê duyệt hạn mức cho vay lại của chính quyền địa phương cùng với hạn mức cho vay lại và bảo lãnh chính phủ.
Về số liệu phân bổ nhập Tabmis
Theo số liệu trên hệ thống Tabmis, tính đến hết ngày 15/4/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 70,91% (40.203 tỷ đồng), trong đó các bộ, ngành trung ương đạt tỷ lệ trung bình 80,29% (14.623 tỷ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ trung bình 66,46% (25.578 tỷ đồng).
Các bộ, địa phương đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn trên Tabmis là Bộ Y tế, Ban QLKCNC Hòa Lạc, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đà Nẵng, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau. Các địa phương có tỷ lệ nhập Tabmis thấp, dưới 50% so với dự toán được giao, là tỉnh Hà Nam (9%), Lai Châu (12%), Nghệ An (17%), Bến Tre (27%), Bình Dương (31%), Bà Rịa – Vũng Tàu (31%), Đồng Tháp (31%), Đồng Nai (31%), Phú Thọ (34%), Bắc Kạn (34%), Sơn La (37%), Đăk Nông (42%), Phú Yên (43%). Đặc biệt có 03 bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ và nhập dự toán Tabmis là Bộ Công Thương, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về tình hình giải ngân vốn năm 2020
Tính đến hết ngày 15/4/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương là gần 2.875 tỷ đồng, trong đó: Số giải ngân của các bộ, ngành cơ quan trung ương: 1.140 tỷ đồng, đạt tỷ lệ so 6,26% với dự toán được giao; Số giải ngân của các địa phương: 1.735 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,51% so với dự toán được giao. Theo thống kê, có 4/12 bộ, ngành và 32/63 địa phương đã giải ngân kế hoạch vốn 2020 ở các mức độ khác nhau. Các bộ đã giải ngân gồm: Bộ Quốc phòng (27,58%), Bộ GTVT (11,29%), Bộ GDĐT (1,08%), Bộ NN&PTNT (2,15%). Trong số các địa phương đã giải ngân kế hoạch vốn 2020, một số địa phương có số giải ngân đạt tỷ lệ khá là: Hà Nội (18,25%), Hải Phòng (12,86%), Ninh Bình (13,16%), Nghệ An (24,79%), Bình Định (26,34%), Phú Yên (21,24%), Bình Dương (17,25%), Tây Ninh (36,85%), Kiên Giang (10,63%).
Một số việc cần triển khai để có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020
Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, để đảm bảo mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ, nhiệm vụ đặt ra đối với giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của năm 2020 là rất quan trọng. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong đó đề cập rất rõ nhiều nội dung liên quan đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành Tài chính đồng bộ thực hiện các biện pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài như theo dõi, đôn đốc công tác nhập Tabmis chi tiết theo dự án của các Bộ, ngành, địa phương; ngay trong Quý I/2020 đã có 03 văn bản đôn đốc các Bộ, ngành địa phương sớm phân bổ và nhập Tabmis để có cơ sở thanh toán vốn; đồng thời cũng đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn.
Thời gian từ nay đến hết năm 2020 chỉ còn 08 tháng, đặc biệt trong tình hình dịch Covid còn diễn biến khó lường, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các công việc sau:
Thứ nhất, các cơ quan chủ quản khẩn trương phân bổ chi tiết đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân. Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân.
Thứ hai, các chủ dự án tập trung triển khai các chương trình, dự án để có khối lượng cho giải ngân; kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời; cung cấp hồ sơ giải ngân đầy đủ theo quy định khi thực hiện kiểm soát chi, rút vốn. Đối với các khoản đã có kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước, khẩn trương tập hợp chứng từ để gửi Bộ Tài chính thực hiện rà soát, ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ, tránh dồn vào cuối năm và có chênh lệch lớn giữa số xác nhận của Kho bạc Nhà nước và số giải ngân gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại). Riêng đối với các tài khoản đặc biệt, tài khoản tạm ứng, khẩn trương hoàn chứng từ thanh toán năm 2019 đầy đủ để thực hiện thủ tục rút vốn bổ sung năm 2020, cũng như hạch toán, quyết toán ngân sách năm 2019.
Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020; có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ. Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhằm thúc đẩy vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2020 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt ngay từ đầu năm của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các bộ ngành, địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm đạt được kết quả giải ngân năm 2020.