Thúc đẩy hợp tác kinh tế biên giới Cao Bằng – Trung Quốc
Là tỉnh biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt, Cao Bằng đang từng bước khai thác hiệu quả lợi thế về hạ tầng cửa khẩu và quan hệ láng giềng hữu nghị để mở rộng không gian hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Lợi thế vị trí địa lý và hạ tầng cửa khẩu
Với đường biên giới dài hơn 333 km tiếp giáp tỉnh Quảng Tây - một trong những trung tâm kinh tế phát triển năng động của miền Nam Trung Quốc, Cao Bằng sở hữu vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng trong giao thương khu vực, cùng nhiều cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa và kết nối doanh nghiệp hai bên.

Nhờ vào lợi thế này, các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc có thể rút ngắn thời gian vận chuyển và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng. Đồng thời, việc tăng cường thông quan điện tử, cải thiện hạ tầng kho bãi và kiểm dịch tại các cửa khẩu cũng giúp Cao Bằng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng.
Theo thống kê trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn Cao Bằng đạt 952,18 triệu USD, tăng mạnh 30% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu gồm thủy sản, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ, chì thỏi, khoáng sản, than, máy móc, thiết bị, vải, ô tô và linh kiện phụ tùng các loại. Cơ cấu hàng hóa ngày càng đa dạng phản ánh sự mở rộng hợp tác thương mại và tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến.
Hiện nay, xu hướng hoạt động hợp tác Việt - Trung tại Cao Bằng đang mở rộng sang các lĩnh vực như đầu tư hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và du lịch biên giới. Đây là bước chuyển quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển bền vững, khai thác chiều sâu trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Theo ông Hoàng Mạnh Ngọc - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng, trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu với phía Trung Quốc. Phía bạn rất chú trọng đến hạ tầng giao thông. Do đó, khi tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hoàn thành, hoạt động thương mại giữa hai bên sẽ tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở các lĩnh vực thế mạnh như kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp và du lịch.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc liên kết vùng nguyên liệu, hợp tác sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của Cao Bằng như thạch đen, miến dong, dược liệu, rau củ ôn đới... Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động giao lưu doanh nghiệp, hội chợ thương mại giữa hai nước, các doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng đã chủ động giới thiệu thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương. Đồng thời, bày tỏ mong muốn thúc đẩy liên kết thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh.
Một trong những cơ hội hợp tác được quan tâm là tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào việc trồng cây ăn quả cũng như chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Cao Bằng cũng được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng kỳ vọng phía Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác, đặc biệt trong công tác truyền thông và quảng bá. Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng chuyên mục giới thiệu các công viên địa chất của hai bên trên các trang web du lịch chính thức. Bên cạnh đó, hai bên cũng hướng tới việc nghiên cứu và hợp tác xây dựng các tuyến du lịch liên kết qua biên giới, dựa trên tinh thần cởi mở và hữu nghị.
Điểm đến tiềm năng cho nhà đầu tư Trung Quốc
Tại chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nghiệp giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ông Chung Minh Khôn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hữu hạn Thực phẩm Bảo Thành (thành phố Tịnh Tây, Trung Quốc) cho biết, doanh nghiệp của ông hiện hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và thương mại xuất khẩu nông sản, với hạn ngạch xuất khẩu hằng năm lên tới 25.000 tấn rau củ và 35.000 tấn trái cây.
Các sản phẩm của Công ty chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN và một số quốc gia khác. Ngoài lĩnh vực nông sản, Bảo Thành cũng đang mở rộng hoạt động vận tải đường bộ quốc tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu chuyển hàng hóa và hành khách qua các cửa khẩu biên giới.
Ông Chung Minh Khôn bày tỏ mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ trái cây, đặc biệt là cung ứng trái cây tươi để tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Công ty cũng quan tâm đến việc nhập khẩu các loại rau quả phục vụ chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng.
Không chỉ dừng lại ở nông sản, doanh nghiệp này còn tìm kiếm đối tác Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu nguyên liệu nhôm tái chế, mở ra hướng hợp tác mới trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu công nghiệp giữa hai bên.
Thành phố Bách Sắc hiện là một trong những trung tâm công nghiệp nhôm tái chế quan trọng của Trung Quốc, với nhu cầu lớn và ổn định về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nắm bắt xu hướng đó, Công ty Bảo Thành bày tỏ mong muốn kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nhôm tái chế, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đôi bên cùng có lợi.
Tương tự, ông Lưu Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quảng Khang (thành phố Tịnh Tây, Trung Quốc) cho biết, doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực chế biến hạt điều, với nhà máy rộng 20.000m² và giá trị sản xuất hằng năm hơn 400 triệu nhân dân tệ. Nguyên liệu chủ yếu được thu mua từ các tỉnh phía Nam Việt Nam thông qua các hợp tác xã, sau đó được vận chuyển qua cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang để đưa vào chế biến tại Trung Quốc.
Mỗi năm, Công ty thu mua hơn 10 tấn hạt điều nguyên liệu và đang tìm kiếm thêm các nhà cung cấp Việt Nam có sản phẩm chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa Trung Quốc. Ông Lưu cũng kỳ vọng hoạt động thông quan sẽ tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại biên giới và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp hai nước.