Thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và start-up
Cùng với việc hình thành, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ngày càng có nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ của các start-up ra đời, nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm công nghệ còn chưa như kỳ vọng. Việc các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với start-up đang là xu hướng, và cần được thúc đẩy để doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực bên ngoài phục vụ đổi mới sáng tạo, còn start-up có các hỗ trợ cần thiết để tăng tốc phát triển.
Cộng hưởng sức mạnh
Thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp đã tìm đến các start-up để cùng hợp tác, phát triển sản phẩm. Thí dụ Công ty cổ phần FPT đầu tư vào Công ty cổ phần Base để tăng tốc hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tập đoàn Pheenikaa đầu tư vào Công ty cổ phần Busmap nhằm tạo sự cộng hưởng sức mạnh trong xây dựng, phát triển thành phố thông minh… Một số doanh nghiệp tổ chức các cuộc thi để đồng hành, đầu tư và tạo cơ hội phát triển cho các start-up. Việc đầu tư, hợp tác chứng tỏ các bên thật sự cần nhau để đi xa hơn, lâu hơn, trên cơ sở thế mạnh riêng của mỗi bên.
Ông Lại Văn Kiên - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse cho biết, vừa qua, doanh nghiệp đã kết hợp với Công ty cổ phần nhà thông minh Anhome - là một start-up có giải pháp chuyển đổi các sản phẩm truyền thống thành các sản phẩm thông minh với chi phí thấp và giải pháp smart home. Một trong những sản phẩm trọng tâm mà hai bên hướng đến là đưa ra thị trường phân khúc sản phẩm máy lọc nước RO giá rẻ, khoảng từ 8-10 triệu đồng, để phù hợp thu nhập của nhiều người tiêu dùng hơn.
Sunhouse có nguồn lực thị trường, có nhà máy sản xuất, có khách hàng đã biết đến thương hiệu, trong khi đó, Anhome có ý tưởng, có đội ngũ thiết kế và kiến thức chuyên sâu để hiện thực hóa, tối ưu sản phẩm. Khó có một công ty hay tập đoàn nào có thể chiếm lĩnh, tiên phong, hay dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực, bởi vậy cần hợp tác với nhau. Tập đoàn Sunhouse muốn đi cùng các start-up, vừa giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, vừa có lợi cho chính tập đoàn.
Việc coi start-up là nguồn lực quan trọng để đổi mới sáng tạo cũng đã được Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ CMC triển khai, dành nhiều “đất” cho các start-up phát triển sản phẩm của mình. Ðại diện công ty cho biết, doanh nghiệp có thể mất 6 tháng đến 1 năm nghiên cứu phát triển sản phẩm, vậy tại sao doanh nghiệp không kết nối với các start-up đã có ý tưởng, đã nghiên cứu từ trước để đẩy nhanh quá trình bán hàng và mở rộng thị trường? Hiện, công ty đã “mở” hệ thống đổi mới sáng tạo để các start-up có thể tham gia vào quá trình ra đời các sản phẩm mới, hoàn thiện sản phẩm cũ, qua đó góp phần đạt được mục tiêu phát triển của mình trong những năm tới.
Ngược lại, các start-up cũng chủ động tìm đến các doanh nghiệp để hợp tác, giải quyết những khó khăn về vốn và thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH TreeOteck cho biết, sản phẩm công nghệ máy lọc không khí AIRemydy của công ty đã được biết đến nhiều qua việc giành giải thưởng ở các cuộc thi cho start-up nhưng để “chốt” được các đơn hàng lớn thì chưa thể, công ty vẫn phải tự “bơi”. Vừa qua, công ty đã kết nối với một số doanh nghiệp lớn về đồ gia dụng để có thể hợp tác, tích hợp sản phẩm của mình lên hệ thống thông minh gia dụng của họ, từ đó mở rộng thị trường.
Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thực tế hợp tác đã khiến các doanh nghiệp thay đổi quan niệm về start-up. Nếu trước đây họ không tin các start-up có thể giải quyết bài toán lớn của họ, thì nay họ đã coi start-up là đối tác; start-up không phải là đối tượng cần hỗ trợ mà là chủ nhân giải quyết triệt để bài toán của chính doanh nghiệp. Ðồng thời, các doanh nghiệp cũng nhận ra, những giải pháp đột phá, tiết kiệm, hiệu quả không chỉ đến từ đội ngũ nghiên cứu phát triển của chính họ mà hoàn toàn có thể do các start-up bên ngoài làm ra.
Ðánh giá xu hướng mới này, bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho rằng, việc doanh nghiệp tìm đến start-up chính là hoạt động điển hình của đổi mới sáng tạo mở được nhắc đến nhiều gần đây. Các nguồn lực đổi mới sáng tạo bên ngoài ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp.
Trong vòng 5 năm tới, các công ty start-up được dự báo là nguồn đổi mới sáng tạo hàng đầu cho các tập đoàn, doanh nghiệp. Nếu năm 2020 nguồn đổi mới sáng tạo từ start-up chỉ chiếm 10% nguồn đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, thì năm 2025 chiếm 44%, trong khi đó, phòng nghiên cứu phát triển nội bộ doanh nghiệp giảm từ 69% xuống còn 29%. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa doanh nghiệp và start-up ở mức tích hợp sâu còn chưa phổ biến, một phần do thiếu thông tin để các bên có thể hiểu và tiếp cận với nhau và những yêu cầu về vốn và cam kết của doanh nghiệp.
Dù vậy, có sự dịch chuyển đổi mới sáng tạo từ nội bộ doanh nghiệp sang các ý tưởng bên ngoài và hiệu quả đem lại rõ rệt sẽ là tiền đề để Việt Nam thực hiện đổi mới sáng tạo, và sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy xu hướng này.
Cần hỗ trợ từ nhiều phía
Có thể thấy, hoạt động hợp tác với start-up đang có những cách thức mới. Vừa qua, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã “đặt hàng” các start-up giải các bài toán do mình đặt ra tại cuộc thi “Thử thách công dân số”, để ứng dụng cho lĩnh vực dịch vụ hành chính công và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Phạm Hồng Quất, việc phát triển một môi trường đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết. Nhà nước cần đi đầu trong việc sử dụng, đặt hàng các sản phẩm mới, mô hình mới, tạo động lực, thị trường cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Tiếp đó, thông qua nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP, lần đầu tiên, một số doanh nghiệp đã công khai “bài toán” của mình để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận, giải quyết, thời hạn đến ngày 31/5/2023. Thí dụ, Công ty cổ phần Masan meatlife cần tìm giải pháp ngôi nhà tự động hóa cho tất cả nhu cầu của con gà, từ nền chuồng, nhiệt độ tự điều chỉnh, cung cấp thức ăn theo tiêu chuẩn cho gà…
Công ty Guardian Việt Nam nêu các thách thức trong ngành bán lẻ và cần tìm giải pháp tối ưu việc phân bổ đơn hàng. Tập đoàn Sunhouse tìm giải pháp tối ưu quy trình sản xuất, tăng sự cạnh tranh với các đối thủ trên sản phẩm chống dính và nồi cơm điện; tìm kiếm vật liệu thay thế cho các bộ phận lõi lọc PP, máy RO…
Theo các chuyên gia, các hoạt động nêu trên cho thấy, các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang dần kết nối với nhau để tạo ra các giá trị mới. Ðể thúc đẩy sự hợp tác giữa start-up và tập đoàn, doanh nghiệp thì cần sự tham gia của nhiều thành phần. Doanh nghiệp, tập đoàn lớn có nguồn tài chính vững mạnh, thị trường lớn, thương hiệu lớn, đội ngũ quản lý và nghiên cứu chất lượng cao, vì thế, trong hệ sinh thái họ cần đóng vai trò là người hỗ trợ để xây dựng quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ vốn để duy trì các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm đối với cộng đồng khởi nghiệp và đưa ra các “bài toán” để các start-up đưa ra giải pháp.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế về quy mô, do đó cũng cần đưa ra “bài toán” để start-up giải cho họ. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu mình cần đổi mới gì, năng lực nội tại của mình đến đâu, cơ chế và mô hình hoạt động của mình đang “bó” các sáng tạo như thế nào để kịp thời tìm kiếm các giải pháp ở bên ngoài.
Với chủ thể là cơ quan quản lý Nhà nước, cần hoàn thiện và xây dựng chính sách phù hợp, thí dụ như chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đặt hàng công nghệ, có thể hỗ trợ, miễn thuế nếu doanh nghiệp có hoạt động hợp tác, đầu tư cho start-up; có cơ chế riêng cho đấu thầu mua sắm công để các start-up có cơ hội tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần thể hiện vai trò là bên đưa ra “bài toán” để khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp theo gương và tạo cơ hội cho các start-up.
Có những nhận xét cho rằng, không ít sản phẩm của các start-up bắt đầu đi vào lối mòn, không có tính đột phá cho nên các start-up đang cạnh tranh với nhau. Thực tế, một số cuộc thi có số các start-up làm về nông sản khá nhiều, sản phẩm bị trùng lặp nhau. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp hay các quỹ đầu tư với đội ngũ chuyên gia tư vấn về kinh doanh, thị trường cần định hướng cho các start-up. Do các quỹ bị hạn chế về mức đầu tư cho một dự án, cho nên cần có cơ chế để start-up có thể tiếp cận nguồn vốn khác, tránh bị lệ thuộc vào các quỹ.
Vai trò hỗ trợ các start-up của các tổ chức trung gian cũng rất quan trọng. Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP nhận định, các tổ chức trung gian sẽ kết nối giữa doanh nghiệp và start-up có giải pháp, đồng thời hỗ trợ toàn diện về tư vấn, cố vấn, đầu tư, gọi vốn, hỗ trợ thị trường, mô hình kinh doanh…, đồng thời cũng là bên kiểm soát chất lượng và hiệu quả các dự án.
Thời gian qua, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có các đơn vị trung gian như: Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ðặc biệt, trong thời đại số, các nền tảng kết nối cung, cầu về đổi mới sáng tạo là thành tố không thể thiếu để thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp và start-up một cách liên tục, không bị giới hạn về không gian, thời gian.
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi, theo hướng các doanh nghiệp sẽ đặt đầu bài cho các start-up giải quyết. Ðồng thời sẽ thúc đẩy việc sử dụng các giải pháp đã có trong các cuộc thi trước đây để doanh nghiệp tiếp cận, dùng thử nghiệm. Các hoạt động đó sẽ giúp nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo mở, việc kết nối giữa start-up và doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn và đem lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.