Kinh nghiệm trong hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo tại một số quốc gia

Phan Trần Trung Dũng, Vũ Minh Chiến, Nguyễn Thị Hà Thanh - Trường Đại học Ngoại thương

Bài viết phân tích các chính sách hỗ trợ tài chính của Phần Lan, Pháp và Đức - các quốc gia này tích cực hỗ trợ phong trào khởi nghiệp ở châu Âu, từ đó lý giải cho sự phát triển ấn tượng của khởi nghiệp sáng tạo tại khu vực này và rút ra một số hàm ý cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia châu Âu đang có tiềm lực mạnh mẽ với những lợi thế đặc trưng của mình. Mặc dù, trong những năm 1990 - 2000, khi những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ lần lượt ra đời theo phương thức khởi nghiệp sáng tạo, châu Âu gần như vô hình trên bản đồ khởi nghiệp, nhưng hiện tại, châu Âu đang có khoảng 200 "kỳ lân" công nghệ nội địa, sẵn sàng cạnh tranh và thu hút đầu tư từ thung lũng silicon. Bài viết phân tích các chính sách hỗ trợ tài chính của Phần Lan, Pháp và Đức - các quốc gia này tích cực hỗ trợ phong trào khởi nghiệp ở châu Âu, từ đó lý giải cho sự phát triển ấn tượng của khởi nghiệp sáng tạo tại khu vực này và rút ra một số hàm ý cho Việt Nam.

Hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo ở một số quốc gia

Phần Lan

Phần Lan là nước chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (startup), nhất là khâu tài chính cho các công ty khởi nghiệp nội địa. Theo báo cáo của Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Phần Lan (FVCA), 10 năm qua, số vốn đầu tư vào các startup tại Phần Lan đã tăng lên 685%.

Riêng năm 2020, con số này lên tới 1 tỷ EUR, gấp đôi năm 2019. Điều đáng ghi nhận là dòng vốn đầu tư ngoại chiếm 57% tổng số vốn, tổng cộng là 543 triệu EUR. Để có được thành quả như vậy, phải kể đến những chính sách của Chính phủ Phần Lan như:

- Chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp: Những khoản trợ cấp startup của Chính phủ giúp đảm bảo thu nhập tối thiểu cho một cá nhân khởi nghiệp trong khoảng thời gian 12 tháng nhằm đảm bảo ổn định tâm lý.

Bên cạnh đó, các công ty đổi mới non trẻ được nhận hỗ trợ tài chính thông qua những khoản vay theo chương trình Young Innovative Company funding.

- Chính sách hỗ trợ gián tiếp: Bên cạnh những khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp, để thúc đẩy nền tảng tài chính, cũng như đỡ đầu cho các công ty startup non trẻ, Chính phủ Phần Lan đã thành lập một doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm nhà nước (BFVC).

Doanh nghiệp này chuyên thực hiện các khoản đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp.

Đến nay, BFVC đã cam kết đầu tư khoảng 64 triệu EUR vào 13 Quỹ Đầu tư mạo hiểm khác nhau. Các quỹ này đã huy động được tổng số vốn khoảng 184 triệu EUR và đầu tư vào 260 công ty.

Sự xuất hiện của một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp có vốn đầu tư nhà nước sẽ khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm ở khối tư nhân tham gia gọi vốn tích cực hơn.

Ngoài ra, BFVC còn giúp các công ty khởi nghiệp tìm kiếm các nguồn vốn trong nước bằng dịch vụ “Dealflow” - Dịch vụ kết nối nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp lại với nhau bằng trí tuệ nhân tạo AI - hoặc các nguồn vốn ngoài nước như: Chương trình COST, EUREKA, Eurostar...

Pháp

Chính phủ Pháp đã có sự quan tâm đặc biệt tới các startup và sẵn sàng nâng tầm các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo lên mức quốc gia. Trong năm 2020, số vốn huy động được cho khởi nghiệp tại nước này lên tới 5,4 tỷ EUR. Kết quả này là thành tựu từ những nỗ lực của Chính phủ.

Nổi bật nhất là sáng kiến “French Tech” của Bộ Tài chính Kinh tế Pháp vào năm 2013 nhằm biến nước Pháp trở thành địa điểm lý tưởng cho không chỉ những nhà khởi nghiệp trong nước, mà còn của các nhà khởi nghiệp quốc tế.

Song song với các quỹ và các khoản trợ cấp hỗ trợ tương đối đa dạng và phong phú về tài chính của Chính phủ như: Quỹ “French Tech Accélération”, Quỹ “French Tech Seed Fund”, Quỹ Tài trợ khẩn “French Tech”… Pháp đã thành lập một tổ chức riêng chuyên thực hiện chức năng hỗ trợ về tài chính cho khởi nghiệp, đó là Ngân hàng Đầu tư công (Bpifrance).

Ngân hàng này thực hiện các chức năng của một ngân hàng thương mại như đứng ra cung cấp các khoản “vay mồi” trị giá khoảng từ 50.000 - 300.000 EUR để tăng tính thanh khoản cho công ty khởi nghiệp chuẩn bị cho vòng gọi vốn.

Hay đứng ra bảo lãnh các khoản vay trung và dài hạn hoặc các hợp đồng thuê mua với số tiền tối đa là 1,5 triệu EUR cho các công ty startup.

Đồng thời, ngân hàng này cũng đầu tư trực tiếp vào các công ty khởi nghiệp thông qua Quỹ “Bpifrance Capital Innovation” với số vốn dao động từ 1 triệu đến 50 triệu EUR.

Đáng chú ý, Bpifrance chỉ là cổ đông nhỏ trong các công ty họ rót vốn và ngoài ra với tư cách cổ đông, ngân hàng này hỗ trợ các công ty startup quản lý, cũng như tham gia mạng lưới khởi nghiệp.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các công ty khởi nghiệp, Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ tài chính gián tiếp cho startup theo các chương trình:

(i) “French Tech Green20”: Về mặt tài chính, Ngân hàng Trung ương Pháp tham gia và tìm cách cải thiện xếp hạng tín dụng của 20 công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “chuyển đổi xanh”;

(ii) “French Tech Agri20”: Một mạng lưới gồm 60 cơ quan hành chính công can thiệp và tối giản hóa các thủ tục hành chính công cho các startup trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững;

(iii) “Scale-up Tour”: Sự kiện này được văn phòng Tổng thống phối hợp với các tổ chức khác trong lĩnh vực khởi nghiệp của Pháp tổ chức và quy tụ 40 nhà đầu tư được công nhận từ các quốc gia đến Pháp, để giúp thiết lập danh tiếng của hệ sinh thái khởi nghiệp Pháp trên toàn cầu và thu hút vốn nước ngoài cho các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng.

Ngoài các chương trình hỗ trợ và Quỹ trong sáng kiến French Tech, Chính phủ Pháp còn có các chính sách ưu đãi về thuế cho các startups như: Khoản tín dụng thuế 30% đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), khoản tín dụng thuế 20% (lên tới 80.000 EUR) đối với những khoản chi tiêu của doanh nghiệp liên quan đến việc nghiên cứu, công bố sản phẩm mới.

Nguồn tài trợ vốn vượt trội từ các quỹ nhà nước có một tác động mang tính đòn bẩy lên nguồn vốn của khối tư nhân dành cho các công ty khởi nghiệp.

Cụ thể, những khoản trợ cấp, đồng tài trợ hay bảo lãnh của ngân hàng đầu tư công đã giúp khuyến khích các ngân hàng thương mại khối tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc tài trợ cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những khoản tín dụng.

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2021, 60% số vốn huy động được của các startup ở Pháp bắt nguồn từ nước ngoài.

Đức

Nước Đức đứng thứ 3 châu Âu về nguồn vốn huy động cho startups theo báo cáo của E&Y, tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm của Đức quá nhỏ - cả so với quốc tế và so với tiềm năng kinh tế của nước này.

Do đó, Chính phủ Liên bang Đức đã đưa ra các công cụ khác nhau, để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của nước này.

Chính phủ Liên bang Đức cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp sau khi ra mắt, các bang cấp vốn cho giai đoạn trước khi ra mắt. Các bộ có thẩm quyền ở cấp liên bang là Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang và ở cấp bang là các Bộ tương ứng phụ trách kinh tế và khởi nghiệp.

Tuy nhiên, tương tự Phần Lan và Pháp, Đức cũng thành lập một cơ quan chuyên để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp nước mình, đó là Tập đoàn Ngân hàng Phát triển Đức (KfW).

Ngân hàng này là cầu nối giúp các startup tại Đức hưởng lợi từ những công cụ hỗ trợ phát triển của Chính phủ.

Đức sở hữu một lượng công cụ hỗ trợ về tài chính đa dạng, trải dài từ trợ cấp đến các khoản cho vay, khoản vay nhỏ hay bảo lãnh đối ứng của Chính phủ Liên bang.

Số lượng các công cụ này được cập nhật thường xuyên có thể kể tới như: Chương trình vay khởi nghiệp, được Chính phủ cung cấp khi nền kinh tế phải chống chọi với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 năm 2020.

Đối tượng của các công cụ này không chỉ là các startup trong giai đoạn đầu mà còn là các startup trong giai đoạn phát triển.

Các công cụ được xây dựng và triển khai có hiệu quả như: Quỹ Khởi nghiệp công nghệ cao; Quỹ dành cho các khoản vay nhỏ của Chính phủ Đức; Khoản trợ cấp EXIST; Bảo lãnh vỡ nợ Quỹ Trợ cấp vốn mạo hiểm INVEST; Quỹ Đầu tư vốn đầu tư mạo hiểm ERP…

Hàm ý cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo ở Phần Lan, Pháp và Đức có thể rút ra một số hàm ý cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, về cách thức hỗ trợ, Chính phủ không nhất thiết phải tài trợ trực tiếp cho các startup như cung cấp các khoản vay ưu đãi hay những khoản tài trợ không hoàn lại.

Thay vào đó, Chính phủ có thể hỗ trợ huy động/tài trợ vốn một cách gián tiếp thông qua các chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư mạo hiểm, giúp các công ty khởi nghiệp tiềm năng kết nối đến những nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực và uy tín qua một nền tảng trực tuyến hay tổ chức những sự kiện cấp nhà nước để quảng bá, “môi giới” nguồn vốn cho các startup tiềm năng nhất của mình.

Đây là giải pháp hữu hiệu mà Pháp hay Phần Lan đang triển khai thực hiện để huy động nguồn vốn trong nước, cũng như dòng vốn ngoại cho các startups của nước mình.

Ngoài ra, tài trợ cho các công ty tư nhân chuyên hỗ trợ các startup, đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, đứng ra bảo lãnh hay chịu chung rủi ro cũng là cách thức để Chính phủ có các chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư của khối tư nhân.

Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia châu Âu trên cho thấy, sự tham gia cùng đầu tư/cho vay của Chính phủ giúp các nhà đầu tư khối tư nhân tích cực tham gia đầu tư mạo hiểm hơn.

Thứ hai, nếu chỉ xét đến các công cụ hỗ trợ/tài trợ trực tiếp thì các quốc gia như Pháp, Đức, Phần Lan xây dựng kho công cụ đồ sộ để hỗ trợ startup: Từ tài trợ bằng vốn vay (cho vay siêu nhỏ, bảo lãnh, vay ưu đãi) đến tài trợ vốn chủ sở hữu (đầu tư trực tiếp, cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi…) hay trợ cấp không hoàn lại.

Việc kết hợp một lượng lớn công cụ như vậy làm cho các nhà khởi nghiệp có thêm nhiều sự lựa chọn hơn trong huy động tài chính/tài trợ vốn.

Chính vì vậy, để việc tài trợ khởi nghiệp sáng tạo diễn ra hiệu quả hơn, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc lộ trình phù hợp để xây dựng thêm các công cụ hỗ trợ đa dạng hơn.

Các chương trình, công cụ được phát triển bởi các quốc gia châu Âu hoàn toàn có thể là những hình mẫu để xây dựng phiên bản phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của Việt Nam.

Thứ ba, việc hỗ trợ nguồn vốn cho khởi nghiệp không chỉ là việc riêng của Trung ương, mà cần có sự tham gia, đồng hành của các chính quyền địa phương.

Ở Đức, có sự phân công nhiệm vụ tài trợ/ hỗ trợ vốn rất rõ ràng giữa chính quyền Liên bang và chính quyền mỗi bang.

Ở Pháp, chính quyền địa phương và Ngân hàng Đầu tư công chịu trách nhiệm sàng lọc, đánh giá và lựa chọn những startup xứng đáng được Nhà nước hỗ trợ.

Chính quyền Trung ương tạo điều kiện về mặt pháp lý hoặc tổ chức những sự kiện quảng bá mang tính quốc tế để kết nối các startup với những nhà đầu tư tiềm năng.

Kết luận

Từ những bài học của các quốc gia châu Âu gồm có Phần Lan, Pháp và Đức, bài viết đã đúc rút ra kinh nghiệm hữu ích chính sách hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp tại các quốc gia này, từ đó đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam trong việc lựa chọn hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo.

Các hàm ý này gồm có sự kết hợp linh hoạt giữa biện pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp; xây dựng kho công cụ đa dạng và linh hoạt cho các đối tượng khác nhau; sự tham gia của các cấp chính quyền trong hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp startup.

Với các hàm ý rút ra, nhóm tác giả mong muốn đóng góp vào việc xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp một cách hiệu quả ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Pääomasijoittajat (2021), A Record - Year for Finnish Startups: The Amount of Funding Raised Nearly Doubled In a Year and Is Already Approaching the Billion-Euro Mark - Pääomasijoittajat;

2. Business Finland (2020), Discover the coolest ecosystem, hottest startups - How Finland works for VC investors and funds;

3. Echos, L. (2021), Levées de fonds: 2020, année record pour la French Tech;

4. Bundesministerium für Wirtschaft und Energie (2020), Financing startups and growth: Overview of funding instruments;

5. Institut Montaigne (2021), Innovation: France's Got Talent;

6. Dealroom (2021), French startups and venture capital on record track in 2021.

Bài đăng lại trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2022