Thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo nhandan.com.vn

Đầu tư mạo hiểm từ nguồn ngân sách nhà nước cho khởi nghiệp đang là vấn đề gây tranh luận từ nhiều phía. Một số chuyên gia khẳng định, việc Nhà nước đầu tư mạo hiểm là “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn cho khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại lo ngại, đầu tư tài chính trực tiếp cho khởi nghiệp là quá mạo hiểm, rất dễ nảy sinh tiêu cực không đáng có.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vấn đề của nguồn vốn Nhà nước

Sau một thời gian dài thu hút sự chú ý và quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo - startup trên khắp cả nước, cuối năm 2012, Trung tâm Công nghệ và đổi mới (TIC), trụ sở tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) chính thức đi vào hoạt động. Theo dự kiến, trong hai năm đầu, TIC sẽ thu hút khoảng 20 đến 25 DN khởi nghiệp với mức vốn đầu tư mỗi DN khoảng 100 nghìn USD/năm. Nguồn vốn này chủ yếu được Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex hỗ trợ.

TIC cũng quy tụ được ban cố vấn gồm nhiều chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin (CNTT) và khởi nghiệp sáng tạo như Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Emotiv Systems Đỗ Hoài Nam, tác giả phát minh thiết bị đọc não người Emotiv EPOC có doanh thu lên đến hàng trăm triệu USD trên toàn cầu, hay Nguyễn Hồng Hải, tác giả mô hình thành phố mới Bình Dương, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Với nguồn vốn đầu tư hùng hậu và những nhà quản lý trình độ cao, TIC kỳ vọng sẽ trở thành “thủ đô” về công nghệ của Việt Nam, sản sinh ra hàng nghìn startup công nghệ hùng mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của TIC lại bị “mắc” ngay từ những ngày đầu khởi động, do TIC sử dụng nguồn vốn nhà nước từ Becamex. Theo quy định, để được đầu tư, một đề án cần thông qua vô số “cửa” xét duyệt: từ Hội đồng đầu tư của TIC, đến HĐTV Becamex, rồi qua một loạt sở, ngành, phòng ban trước khi được trình lãnh đạo tỉnh,… thời gian kéo dài ít nhất từ sáu tháng đến một năm. Trong thời gian đó, DN khởi nghiệp có khi đã “chết” hoặc tìm được nguồn đầu tư khác. “Rõ ràng, nguồn vốn nhà nước đi kèm với những quy định rất “cứng” không hề thích hợp để “làm” khởi nghiệp” - ông Đỗ Hoài Nam quả quyết.

Việc định giá một DN khởi nghiệp, nếu chiếu theo đúng các quy định hiện hành cũng rất khó. Đôi khi, một DN chỉ có ba bạn trẻ, ba chiếc máy tính xách tay cùng một ý tưởng “điên rồ” lại được các NĐT định giá hàng triệu USD. Nhà nước không làm được điều này vì phải tuân theo khung pháp lý có sẵn của Bộ Tài chính. Còn nếu tạo thêm các cơ chế “mềm” để hợp thức hóa việc đầu tư, chẳng hạn cho phép một đơn vị sử dụng nguồn vốn nhà nước được đầu tư và định giá khởi nghiệp bao nhiêu cũng được tùy theo ý kiến chủ quan thì e rằng, rất dễ nảy sinh tiêu cực.

Ngoài ra, đầu tư mạo hiểm phải chịu rủi ro rất cao. Đầu tư vào 10 dự án có thể thất bại cả 10. Ai chịu trách nhiệm cho việc làm thất thoát nguồn vốn nhà nước? Còn nếu tạo cơ chế “mở”, chắc chắn bất cập sẽ lại xuất hiện. “Vì vậy, việc Nhà nước đầu tư tài chính trực tiếp hay còn gọi là đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sẽ luôn gặp rất nhiều cản trở, bài toán sẽ càng trở nên rắc rối và hiệu quả bị giảm mạnh” - ông Nam khẳng định.

Theo các chuyên gia, một DN khởi nghiệp nếu muốn thành “ông lớn”, vươn ra thế giới thường cần nguồn vốn lớn từ nước ngoài. Chẳng hạn, đến một thời điểm, DN khởi nghiệp cần khoảng 100 triệu USD, khi đó khả năng đáp ứng từ nguồn vốn trong nước là rất khó. Vấn đề là các quỹ hay DN nước ngoài lại thường tránh các khởi nghiệp có yếu tố Nhà nước, bởi những thủ tục “cứng” theo quy định đối với các NĐT chính là sự rủi ro không đáng có.

Nhà sáng lập dự án khởi nghiệp Kitfe Võ Ngọc Quý chia sẻ: Nhận 1 triệu USD đầu tư từ Nhà nước kèm theo rất nhiều thủ tục phiền phức. Vì vậy, chỉ khi “cùng đường bí lối”, DN khởi nghiệp mới nhận đầu tư của Nhà nước. Điều này cho thấy, Nhà nước chắc chắn sẽ khó “vớt” được các khởi nghiệp tiềm năng và việc đầu tư sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vẫn có hiệu quả

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc Nhà nước đầu tư mạo hiểm vẫn mang lại hiệu quả tích cực. Thí dụ, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã “rót” ngân sách cho khoảng 15 quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô từ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD, đồng thời liên tục đồng hành và tạo ra các cơ chế hỗ trợ hữu hiệu. Từ đó, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo mọc lên như nấm, tạo đà cho sự phát triển rực rỡ của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tại quốc gia này. Hiện nay, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, khởi nghiệp ở Ma-lai-xi-a phát triển rất bền vững.

Tương tự, tại I-xra-en, để thúc đẩy khởi nghiệp phát triển, Bộ Tài chính I-xra-en đã cho triển khai chương trình Yozma, Chính phủ đầu tư 100 triệu USD tạo ra 10 quỹ đầu tư mạo hiểm mới. Quỹ có ba bên làm đại diện: NĐT mạo hiểm I-xra-en, một hãng đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài và một công ty đầu tư hoặc ngân hàng I-xra-en. Kết quả, chương trình Yozma đã tạo tiếng vang mạnh mẽ tại cộng đồng đầu tư Mỹ để họ vượt qua sự e ngại về việc kinh doanh tại I-xra-en. Nhờ đó, I-xra-en đã tăng được thị phần đầu tư mạo hiểm toàn cầu gấp đôi so với châu Âu.

Bình luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Nhà nước nên tham gia đầu tư mạo hiểm vì sẽ làm được hai việc mà khối tư nhân không muốn làm do tiềm năng lợi nhuận không cao hoặc khó làm do không đủ quy mô vốn. Thứ nhất, Nhà nước có thể đầu tư vào những dự án lớn, có tầm nhìn dài hạn như một số công nghệ lõi hay các giải pháp môi trường,... Bên cạnh đó, Nhà nước còn có khả năng dẫn dắt được cuộc chơi vào những thời điểm cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội tốt hơn nữa cho khởi nghiệp.

Chẳng hạn, khi Chính phủ Ma-lai-xi-a hay Xin-ga-po triển khai những động thái mạnh mẽ để đầu tư cho khởi nghiệp, đã tạo nên hiệu ứng rất tốt trong việc thu hút sự tham gia của khối tư nhân; đồng thời, thị trường vốn nước ngoài cũng rất yên tâm vì rõ ràng, quyết tâm chính trị của Chính phủ hai nước này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư khởi nghiệp mạnh mẽ - điều mà các NĐT hết sức mong đợi.

Cũng theo ông Trường, đầu tư vào khởi nghiệp ở Việt Nam không tốn nhiều tiền. Thống kê 10 năm qua, lượng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam khoảng 150 triệu USD; dự báo 10 năm tới cũng chỉ cần khoảng 200 đến 300 triệu USD, là mức chúng ta có thể chuẩn bị được.

Về những trở ngại khi Nhà nước đầu tư mạo hiểm, trong đó “vướng” nhất là nguyên tắc bảo toàn vốn và việc giải trình ngân sách, ông Trường khuyến nghị: Số tiền Nhà nước cần bỏ ra không quá nhiều, nhưng mang lại hiệu quả to lớn về lâu dài. Vì vậy, Chính phủ nên quyết tâm bằng cách tạo ra những cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc đầu tư khởi nghiệp; chẳng hạn, tạo cơ chế cho phép người đại diện nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có đủ quyền và khung pháp lý để đầu tư mạo hiểm.

Rõ ràng, việc Nhà nước nên đứng ngoài, tạo khung chính sách hay tham gia trực tiếp đầu tư mạo hiểm đang gây rất nhiều tranh cãi. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, Nhà nước cũng có thể đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp vì Nhà nước tham gia trong “sân chơi” sẽ có vai trò tạo “chất xúc tác” châm bùng lên ngọn lửa đầu tư cho khởi nghiệp.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, là cơ sở pháp lý chính thức cho hoạt động của các Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số dự thảo khác cũng đang tính đến việc cho phép những đơn vị như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), các tổ chức có chức năng hỗ trợ cho khởi nghiệp của T.Ư và địa phương,… được cùng các NĐT tư nhân thành lập Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp.

Tuy nhiên, việc cho phép thành lập các Quỹ đầu tư mới chỉ là “phần ngọn”, còn gốc rễ của vấn đề là cần tạo ra những cơ chế mới để đầu tư thông suốt; bên cạnh đó, có cơ chế giám sát chặt chẽ việc đầu tư và kết quả đầu tư để tránh tiêu cực; trường hợp những yêu cầu đó chưa đạt được thì Nhà nước nên hạn chế tối đa tham gia đầu tư mạo hiểm trực tiếp. Ngoài ra, Nhà nước không nên đầu tư dàn trải mà nên tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, thí dụ như những ngành công nghệ kỹ thuật cao, y tế hoặc môi trường,…

Thêm nữa, không chỉ đầu tư mạo hiểm mới có tác dụng thúc đẩy khởi nghiệp. Theo Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ một phần kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước vẫn là tạo ra được một hệ thống khung pháp lý chặt chẽ nhưng đơn giản, thông thoáng; tiếp tục đổi mới thể chế và cải cách thủ tục hành chính; đưa ra những cơ chế về thuế và tài chính đặc thù; tạo cơ chế thu hút đầu tư cho khởi nghiệp từ xã hội;… để có thể thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.