Tìm lối ra cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô

Theo PV/congthuong.vn

Trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ trong nước cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa; Tăng cường liên kết với nhau để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, cả nước có khoảng 300 DN công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất ô tô. Nguồn: Internet
Hiện nay, cả nước có khoảng 300 DN công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất ô tô. Nguồn: Internet

90% nhà cung cấp linh kiện ô tô là doanh nghiệp FDI

Hiện nay, cả nước mới có khoảng 300 DN công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất ô tô, trên tổng số 12.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của cả nước.

Trong đó, có đến 90% các nhà cung cấp linh kiện ô tô tại Việt Nam là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ có rất ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia mạng lưới cung ứng cho sản xuất, lắp ráp ô tô.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù đã có quy mô sản xuất khá lớn, nhưng hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn chưa có nhà máy nào đầu tư vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ô tô; Chất lượng sản phẩm, phụ tùng linh kiện ô tô cung cấp trên thị trường còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, giá thành xuất xưởng của các sản phẩm phụ tùng, linh kiện ô tô còn cao vì thế làm giảm sức cạnh tranh.

Ông Lương Đức Toàn, Phòng Công nghiệp chế biến chế tạo - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, DN công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô phát triển chủ yếu theo ngành dọc, bó hẹp trong quan hệ liên kết đầu tư và cung ứng sản phẩm. DN công nghiệp hỗ trợ phần lớn chỉ phục vụ các công ty lắp ráp tại thị trường nội địa, xuất khẩu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do chênh lệch chất lượng sản phẩm cũng như yêu cầu, tiêu chuẩn của các công ty nước ngoài còn khá cao.

“Quy mô sản xuất của DN công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô còn hạn chế. Việt Nam rất thiếu DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện và DN sản xuất vật liệu hỗ trợ cơ bản như sắt, thép, nhựa, cao su, hóa chất… Khả năng gia nhập thị trường của các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm cung ứng linh kiện cho sản xuất ô tô”, ông Lương Đức Toàn nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, trong khi chi phí sản xuất linh kiện ô tô của Việt Nam còn cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, năng lực khoa học - công nghệ của các DN Việt yếu kém; Quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn thiếu liên kết.

Đổi mới công nghệ -chủ động kết nối

Theo Cục Công nghiệp, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và công nghiệp ô tô nói riêng. Đặc biệt là Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Hiện nay, một tín hiệu đáng mừng là một số DN đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết về ô tô. Đã có những DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư công nghệ tiên tiến nên đã tạo ra một số sản phẩm đã có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất lắp ráp ô tô ở nước ta và đã xuất khẩu.

Là DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô, đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, để chủ động linh kiện cho sản xuất, hiên tại công ty đã có khu phức hợp sản xuất, lắp ráp xe ô tô; Có 13 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, ngoài cung cấp cho Thaco, còn có thể cung cấp cho các DN trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa; Tăng cường liên kết với nhau để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo đó, các DN phải chủ động: Kết nối người mua, kết nối công nghệ; Tối ưu hóa chi phí bằng cách liên tục cải tiến, đổi mới và giá thành phải cạnh tranh.

Ông Toàn cũng khuyến nghị ngoài việc kiểm soát các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Cần tăng cường đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm mở rộng quy mô cho các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng, chi phí, dịch vụ logistic để bảo sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo sự đột phá về hoàn thiện thể chế cho công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô.

Theo Cục công nghiệp, cần nghiên cứu, tiến tới xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô nói riêng