Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ
Ngày 25/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho hay, những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Nghị định số 111 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Mặc dù vậy, đến nay cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, bao gồm cả các chương trình hợp tác quốc tế với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam có nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, qua thực tế triển khai các hoạt động, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và các chi tiết đơn giản với hàm lượng công nghệ cũng chưa cao, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Điều này có thể do yếu tố các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bị hạn chế về năng lực quản lý sản xuất trình độ công nghệ hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, thị trường chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, trong khi đó việc đầu tư cho đổi mới công nghệ cải tiến sản xuất là yêu cầu đầu tư vốn lớn dài hơi, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, nên nếu không tiếp cận được các nguồn vốn tài chính phù hợp thì sẽ ảnh hưởng tới việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại hội thảo đề cập đến tiềm năng phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước để tiết giảm chi phí và giảm tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khi đó, nguyên nhân khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được các đơn hàng lớn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cũng không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận tài chính hiệu quả để đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất.