Thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt trong bối cảnh đại dịch
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động) được tuyên truyền, thực hiện bằng nhiều hình thức để hàng Việt tiêu thụ rộng rãi.
Thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh hiện tại, địa phương cũng đổi mới trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đắk Lắk, hiện nay có đến 90% sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, hợp tác xã, hệ thống siêu thị trong tỉnh.
Những năm qua, việc phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt là nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh hướng đến. Riêng thị trường nội tỉnh, với gần 2 triệu dân, được nhận định là kênh tiêu thụ hàng Việt hiệu quả và cũng đã có nhiều bước tiến trong phân phối hàng Việt.
Thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ tháng 11/2020, Sở Công thương đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại Siêu thị Co.opmart Cư M’gar (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar). Điểm bán này có quy mô gần 100 m2, bày bán hơn 300 sản phẩm hàng hóa trong nước, chủ yếu thuộc ngành hàng tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, siêu thị sẽ tiếp tục khai thác, mở rộng thêm các sản phẩm hàng hóa nông sản được sản xuất tại địa phương như cà phê, tiêu, mật ong. Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình này, ông Nguyễn Văn Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho rằng, điểm bán hàng Việt đã thu hút sự quan tâm, mua sắm của nhiều người tiêu dùng địa phương. So với thời điểm trước khi triển khai điểm bán hàng Việt thì doanh thu bán hàng tại siêu thị tăng lên từ 10 - 20%.
Từ năm 2020 đến nay, tiêu thụ hàng hóa liên tiếp gặp khó khăn do dịch bệnh, Cuộc vận động được các siêu thị trong tỉnh thực hiện bằng nhiều phương thức như: tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt”, “Tháng bán hàng khuyến mãi”, “Tuần lễ hàng Việt” và đẩy mạnh giao dịch trực tuyến, kênh bán hàng online… để gia tăng hiệu quả kinh doanh, tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa chất lượng, phù hợp.
Còn tại các chợ truyền thống, hàng Việt ngày càng được tiểu thương ưu tiên bày bán hơn. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đánh giá, hàng Việt Nam từng bước chiếm được thị phần và đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng địa phương. Sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh có đến 90% là hàng Việt; sản phẩm thuốc, dụng cụ y tế chiếm trên 60% là hàng Việt trong các bệnh viện và tiêu dùng trong nhân dân... Qua khảo sát tại các siêu thị và ở một số địa phương, hiện có trên 85% dân số trong tỉnh đã mua và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất.
Đa dạng hoạt động
Nhiều DN của tỉnh Đắk Lắk cho hay, dịch bệnh COVID-19 khiến người tiêu dùng cân nhắc trong chi tiêu và có xu hướng tiết kiệm hơn, trong đó, họ dành nhiều ưu tiên cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới, theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Đắk Lắk sẽ xây dựng các chương trình truyền thông đa kênh, đa phương tiện, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cho sản phẩm của DN trong tỉnh Đắk Lắk; tổ chức các chương trình tôn vinh, bình chọn, giải thưởng, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và phân phối. Thực hiện các giải pháp để tập trung phát triển thị trường trong tỉnh; đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ CheckVN và sáng chế “Hệ thống quản lý và theo dõi thông tin nguồn gốc thực phẩm ở cấp độ người quản lý và người dùng” trong lĩnh vực quản trị, chống giả, truy xuất nguồn gốc, kết nối cung - cầu, số hóa DN, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa…
Trong bối cảnh dịch bệnh, Cuộc vận động được địa phương thực hiện đa dạng, phù hợp hơn. Sở Công thương liên tục cập nhật thông tin về thị trường, tình hình biên mậu cung cấp kịp thời cho DN, hợp tác xã của tỉnh để có kế hoạch chủ động trong định hướng sản xuất, phân phối. Sở cũng đẩy mạnh tổ chức giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của tỉnh thông qua các sàn thương mại điện tử, hội nghị kết nối giao thương trực tuyến.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho biết, vấn đề "nóng" hiện nay là đầu ra cho các loại nông sản vào mùa thu hoạch như bơ, sầu riêng... Sở đang tập trung theo dõi, cập nhật sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch để phối hợp, kêu gọi các địa phương khác trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ, không để ùn ứ.
Bên cạnh đó, tổng hợp danh sách hàng hóa, thông tin dữ liệu, khả năng sản xuất của DN, hợp tác xã, nông hộ của tỉnh để sẵn sàng cung ứng, có đầu mối liên lạc khi cần thiết. Trong nỗ lực kết nối tiêu thụ, tính đến nay đã có Sở Công thương tỉnh Lào Cai đặt vấn đề phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của Đắk Lắk.
Cùng với đó, Sở Công thương Đắk Lắk cũng đề nghị các DN hoạt động kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh quan tâm, hỗ trợ người dân thu mua sầu riêng, bơ để kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại và kinh doanh, tiêu thụ trong hệ thống của đơn vị trong toàn quốc.
“Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đổi mới mẫu mã thì DN Việt cần chủ động xây dựng những kênh phân phối hiện đại, trên các sàn thương mại điện tử... Có như vậy mới tiếp cận và thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt nhiều hơn, giúp DN mở ra nhiều cơ hội trong kết nối cung - cầu, khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa trong bối cảnh hiện nay” - Ông Lê Xuân Sương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đắk Lắk.