Thúc đẩy xây dựng, phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam

ThS. Dương Thị Tuyết Nhung, TS. Nguyễn Thi Phương - Trường Đại học Mỏ - Địa chất/tapchiconghuong.vn

Phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, xây dựng phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết nêu khái niệm chuyển đổi số; khái niệm đô thị thông minh; phân tích tình hình xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam thời gian qua, những kết quả và hạn chế còn tồn tại, từ đó đưa ra một số giải pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Đồng thời, xây dựng phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định. Bài viết nêu khái niệm chuyển đổi số; khái niệm đô thị thông minh; phân tích tình hình xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam thời gian qua, những kết quả và hạn chế còn tồn tại, từ đó đưa ra một số giải pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian tới.

2. Khái niệm chuyển đổi số và đô thị thông minh

2.1. Khái niệm chuyển đổi số

Thuật ngữ “chuyển đổi số” hiện chưa được hiểu theo một nghĩa chung, thống nhất do quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Theo Bowersox và cộng sự (2005), chuyển đổi số là quá trình tái tạo lại một doanh nghiệp để số hóa các hoạt động và hình thành các mối quan hệ chuỗi cung ứng mở rộng. Theo Weterman và cộng sự (2011), chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ để cải thiện triệt để hiệu suất hoặc phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp. Theo Unruth và Kiron (2017), chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tái cấu trúc nền kinh tế, thể chế và xã hội ở cấp độ hệ thống.

Bài viết này tiếp cận chuyển đổi số trong mối quan hệ xây dựng và phát triển đô thị thông minh nên chuyển đổi số được hiểu là quá trình tái cấu trúc toàn diện trên cơ sở tích hợp các công nghệ số phù hợp nhằm mục tiêu trở nên thông minh, nghĩa là hiệu quả hơn và có khả năng thích ứng cao hơn với bối cảnh thay đổi nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là quá trình tự thay đổi để thích ứng với tương lai số (Nguyễn Huy Khanh 2021: 19).

2.2. Khái niệm đô thị thông minh

Thuật ngữ đô thị thông minh cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau và có thể chia thành 2 nhóm quan điểm như sau:

Nhóm quan điểm không đề cập đến mục đích của đô thị thông minh, cho rằng, đô thị thông minh là đô thị có nền kinh tế, con người, cách quản trị, giao thông, môi trường và cuộc sống được xây dựng dựa trên sự kết hợp thông minh giữa các nguồn lực (Giffinger và cộng sự, 2007); hay đô thị thông minh là đô thị áp dụng hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý vốn con người, giáo dục, vốn xã hội, và các vấn đề môi trường (Lombardi và cộng sự, 2012).

Nhóm quan điểm thứ hai nêu thêm mục đích của đô thị thông minh, xác định, đô thị thông minh là đô thị áp dụng công nghệ cao để kết nối con người, thông tin và các yếu tố trong đô thị nhằm tạo ra một đô thị xanh, bền vững, với nền kinh tế cạnh tranh, đổi mới và chất lượng sống ngày càng được nâng cao (Bakici và cộng sự, 2012); hay đô thị thông minh là đô thị có vốn con người và vốn xã hội được đầu tư, có hệ thống giao thông và kết nối với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, có nền kinh tế phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống cao, tài nguyên môi trường được quản lý tốt thông qua bộ máy chính quyền mà người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến (Caragliu và cộng sự, 2011).

Như vậy, điểm chung của các quan điểm là việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để kết nối nguồn lực và quản lý đô thị. Bài viết sử dụng khái niệm của Bakici và cộng sự (2012), xác định, đô thị thông minh là đô thị áp dụng công nghệ cao để kết nối con người, thông tin và các yếu tố trong đô thị nhằm tạo ra một đô thị xanh, bền vững, với nền kinh tế cạnh tranh, đổi mới và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng[1]: Phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số cho một đô thị với 3 nội dung chính bao gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số (Lâm Thao, 2020).

3. Tình hình xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Theo thống kê của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2020, Việt Nam có 862 đô thị (Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, 2021:.6). Một số đô thị ở Việt Nam đã xây dựng, phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh, trong đó có 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai triển khai đề án Đô thị thông minh. Một số kết quả triển khai xây dựng, phát triển đô thị thông minh ở 3 thành phố điển hình là Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

3.1. Kết quả triển khai xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Đà Nẵng

Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích trên môi trường số, dưới dạng app cho điện thoại di động và có được tương tác lớn của người dân, doanh nghiệp; dữ liệu số hình thành ban đầu chia sẻ lẫn nhau; triển khai Cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp.

Về quản trị thông minh, thành phố đã triển khai hệ thống giám sát tập trung Mini IOC và 6 dịch vụ đô thị thông minh cơ bản theo hướng dẫn thí điểm dịch vụ đô thị của Bộ Thông tin & Truyền thông (bao gồm: Dịch vụ phản ánh, góp ý; dịch vụ giám sát dịch vụ công; dịch vụ giám sát giao thông; dịch vụ giám sát an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát an toàn thông tin (ATTT); dịch vụ giám sát thông tin mạng xã hội) và 12 dịch vụ tăng thêm khác như giám sát môi trường nước, không khí; giám sát tình hình dịch bệnh Covid-19, dữ liệu mở, giám sát hành trình xe rác,…

Về giao thông thông minh, Đà Nẵng đã triển khai Trung tâm giám sát giao thông và điều khiển đèn tín hiệu; gần 200 camera giám sát giao thông thông minh và ứng dụng nhận dạng biển số và phát hiện vi phạm giao thông; thí điểm camera đo đếm lưu lượng và tự động điều khiển đèn tín hiệu điều khiển giao thông theo thời gian thực…

Về giáo dục thông minh, Đà Nẵng đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp (lớp 1, lớp 6); cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục nhằm liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học, hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố; xây dựng Cổng tra cứu điểm thi các cấp (web, SMS, Zalo).

Về y tế thông minh, 100% trạm y tế xã, phường đã triển khai ứng dụng y tế điện tử; Ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử tại 16/16 trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hình thành Hồ sơ y tế điện tử công dân và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố (ICTNews, 2021).

3.2. Kết quả triển khai xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Hà Nội

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch; tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác cải cách hành chính của thành phố. Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng thành phố thông minh, trong đó dành ưu tiên cho xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường,…

3.3. Kết quả triển khai xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại TP. Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng... Trên cơ sở các dữ liệu của các ngành nêu trên, thành phố từng bước triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại, tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, các cơ sở khám, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục,... tại cổng dữ liệu Thành phố https://data.hochiminhcity.gov.vn. Qua đó, diện mạo đô thị thông minh dần hình thành và ngày một rõ nét trong toàn thành phố.

4. Một số giải pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển đô thị thông minh

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu, đang gặp nhiều thách thức, như: hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị phân tán ở nhiều ngành, thiếu tính nhất quán dẫn đến việc dự báo, định hướng và điều hành gặp khó khăn; chưa hình thành hệ thống cơ sở pháp lý, quy phạm pháp luật và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan, trong khi phát triển đô thị thông minh có tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực… Hơn nữa, phát triển đô thị thông minh yêu cầu phải có nguổn lực đầu tư lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp và phải chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy xây dựng và phát triển mạnh mẽ đô thị thông minh ở Việt Nam thời gian tới.

Thứ nhất, xác định rõ mô hình phát triển đô thị thông minh trước khi có chiến lược và quy hoạch phát triển. Việt Nam với vị trí là một nước đang trong quá trình phát triển cũng không tránh khỏi xu thế phát triển mô hình đô thị thông minh. Tuy vậy, việc ứng dụng đô thị có thể mang lại lợi ích nhiều mặt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu phát triển thiếu đồng bộ. Nghiên cứu lựa chọn các mô hình đô thị thông minh áp dụng phù hợp với từng loại đô thị cụ thể song song với xây dựng và hoàn thiện một chiến lược lộ trình phát triển hợp lý là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để mô hình đô thị thông minh trở thành lợi thế phát triển các đô thị Việt Nam trong tương lai.

Thứ hai, sớm xây dựng một chiến lược phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, trong đó các đô thị lớn phải đi đầu trong phát triển đô thị thông minh, tạo động lực cho cả nước. Chính phủ cần triển khai nhiều chương trình, chính sách và dự án trọng điểm tập trung xây dựng và phát triển đô thị thông minh, trước tiên, cần tập trung nguồn lực để phát triển đô thị thông minh tiên tiến, điển hình, sau đó sẽ phát triển rộng ra các thành phố trên cả nước.

Việc xây dựng đô thị thông minh ở các thành phố lớn đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng sẽ hình thành mô hình hợp tác linh hoạt, nhằm huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực của xã hội (không chỉ hình thành một đô thị thông minh, phát triển bền vững, mà còn giúp kéo theo sự phát triển cho các khu vực phụ cận và cả nước).

Mặt khác, các thành phố lớn với vai trò trung tâm khoa học - công nghệ tập trung nhiều trường đại học lớn đầu ngành, đào tạo đa số sinh viên toàn quốc, nếu có giải pháp phù hợp, đây sẽ là thế hệ cư dân thông minh tương lai không chỉ của đô thị đó, mà còn cho việc phát triển các đô thị thông minh khác, cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội.

Thứ ba, cần có quy hoạch đô thị dài hạn. Khi quy hoạch được phê duyệt, cần tránh tối đa việc sửa quy hoạch dẫn đến phá vỡ cấu trúc quy hoạch. Sự phát triển hạ tầng đô thị đòi hỏi thời gian dài, hàng chục thậm chí hàng trăm năm, do đó, nếu thực hiện quy hoạch với tầm nhìn ngắn hạn sẽ làm cho các công trình xây dựng hạ tầng sớm bị lạc hậu, gây lãng phí và cản trở sự phát triển dài hạn của đô thị.

Trong quy hoạch, cần chú ý xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Đây chính là huyết mạch của từng đô thị, cũng như huyết mạch của cả nước. Hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp người dân di chuyển an toàn và hiệu quả. Đồng thời, trong quy hoạch cũng cần vận dụng mô hình xanh trong kiến trúc đô thị. Thực tế hiện nay, đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra đồng thời với khu vực nông thôn dần thu hẹp. Việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thứ tư, hình thành nguồn dữ liệu thông minh, hệ thống kiểm soát, giao diện; Tạo lập tính sẵn sàng và có thể truy cập của hệ thống; Trang bị công nghệ điện toán thông minh, mạng kết nối; Thực hiện cảnh báo theo thời gian thực và phân tích dữ liệu nâng cao. Trên cơ sở sự hỗ trợ của công nghệ, cần xây dựng chính quyền thông minh với công cụ công nghệ thông tin và truyền thông tinh vi điều phối nhiều thành phần cấu thành khác nhau của đô thị thông minh một cách minh bạch, kết nối và hợp tác linh hoạt.

Thứ năm, xây dựng khung pháp lý và giải pháp giám sát đảm bảo an ninh thông tin và sự riêng tư cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Thiết lập hệ thống bảo vệ đối với gian lận, trách nhiệm pháp lý và cung cấp dịch vụ kém. Thực tế cho thấy, các đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang có kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị thông minh dựa vào yếu tố công nghệ. Để hiện thực hóa việc xây dựng đô thị thông minh, các thành phố cần tiếp tục thực hiện mô hình kết hợp gắn phát triển kinh tế với xây dựng đô thị thông minh đồng bộ, hiện đại.

Thứ sáu, cần có giải pháp cụ thể cho việc hình thành một cộng đồng cư dân thông minh, có kiến thức và kỹ năng số, có thể dễ dàng truy cập và sử dụng tiện ích của hệ thống; Củng cố lòng tin vào hệ thống và niềm tin của cộng đồng vào độ tin cậy của dịch vụ chia sẻ. Trên cơ sở thiết lập cơ chế và giải pháp số cho việc chia sẻ truy cập vào quyền sở hữu (tài sản, các tài nguyên khác) nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội. Để xây dựng và vận hành thành công một thành phố thông minh, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tinh vi làm trung tâm cho hoạt động quản trị của chính quyền đô thị, cần tạo ra cấu trúc quản trị chủ động và cởi mở, với tất cả các chủ thể tham gia nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế - xã hội và sinh thái của các thành phố. Đồng thời, cần tuyên truyền rộng rãi để người dân thấy được vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Từ đó, huy động sức mạnh toàn dân trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu đề ra.

5. Kết luận

Phát triển đô thị thông minh là giải pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề quá tải ở đô thị ở nước ta hiện nay. Việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế của Việt Nam. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ xây dựng chiến lược, quy hoạch; hình thành nguồn dữ liệu quốc gia; xây dựng khung pháp lý; đảm bảo an ninh thông tin đến tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin tương đối phát triển và con người Việt Nam năng động, sáng tạo trong tiếp thu kinh nghiệm các nước đi trước và vận dụng phù hợp với tình hình trong nước, chắc chắn việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh sẽ nhanh chóng bắt nhịp được với trào lưu phát triển của thế giới.

Tài liệu trích dẫn:

1 Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Thành phố Thông minh 2020 (Smart City Summit) lần thứ 4 ngày 24/11/2020.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bakıcı, T., Almirall, E., & Wareham, J. (2013). A smart city initiative: The case of Barcelona. Journal of the Knowledge Economy 4 (2), 135-148.
  2. Bowersox, D.J., Closs, D.J., Drayer, R.W. (2005). The digital transformation: Technology and beyond. Supply Chain Management Review, 9(1), p.22-29
  3. Caragliu, A., Del Bo, C., & Nijkamp, P. (2011). Smart cities in Europe. Journal of Urban Technology 18(2), 65-82.
  4. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (2021). Tổng luận: “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, bài học cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Truy cập tại: https://vista.gov.vn/vn-uploads/tong-luan/2021_06/tl5_2021.pdf.
  5. Giffinger, R., Fertner, C., Kramar, H., Kalasek, R., Pichler-Milanović, N., & Meijers, E. (2007). Smart cities Ranking of European medium-sized cities. Vienna University of Technology.
  6. ICTNews (2021). Phát triển đô thị thông minh, Đà Nẵng đột phá trong giai đoạn mới. Truy cập tại: https://vietnam.vn/cong-nghe/phat-trien-do-thi-thong-minh-da-nang-dot-pha-trong-giai-doan-moi-20210407105228319.html.
  7. Nguyễn Huy Khanh (2021). Chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh hơn. Tạp chí Cơ sở dữ liệu chuyển đổi số ngành xây dựng, số 2, tr. 18-21.
  8. Lombardi, P., Giordano, S., Farouh, H., & Yousef, W. (2012). Modelling the smart city performance. Innovation: The European Journal of Social Science Research 25(2), 137-149.
  9. Tiến Long (2021). Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Tạp chí Con số và sự kiện, Số 3, tr.31-33.