"Thúc" giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Trần Huyền

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng nhiều lần nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, là dòng "vốn mồi" dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm đến công tác này, cần bám sát hiện trường, giải quyết ngay các nút thắt, đôn đốc thi công các công trình, dự án... để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

8 tháng, giải ngân mới đạt 35,49% kế hoạch

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 ước thanh toán từ đầu năm đến 31/8/2022 là 212.227,28 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 207.347,63 tỷ đồng, đạt 36,82% kế hoạch và đạt 40,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 4.879,65 tỷ đồng, đạt 14,02% kế hoạch.

Có 07 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%). Tuy nhiên, có 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 Bộ và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Đa số các địa phương đều gặp khó khăn về thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư chậm, vấn đề đấu thầu, thực hiện hợp đồng, phân bổ vốn chậm; nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi giải pháp thiết kế hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai. Bên cạnh đó, còn hạn chế về năng lực thi công của nhà thầu; nhiều dự án mới khởi công... dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Cũng báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện vẫn còn trên 50.326,9 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 9,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, các Bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ 7.124,399 tỷ đồng, chiếm 6,44% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; các địa phương chưa phân bổ 43.202,526 tỷ đồng, chiếm 10,01% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân của việc chưa phân bổ vốn chi tiết được chỉ ra là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.

Thúc đẩy giải ngân kích cầu kinh tế

Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để triển khai công tác này. Đặc biệt, để kịp thời có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này, ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 727/TTg-KTTH phân công 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương.

Với vai trò được giao là Tổ trưởng Tổ công tác số 6 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Yên, Sóc Trăng.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của vốn đầu tư công, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm đến công tác giải ngân nguồn vốn này; cần sáng tạo, bám sát hiện trường, thường xuyên kiểm tra, giải quyết ngay các nút thắt, đôn đốc thi công các công trình, dự án... để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt, đối với nút thắt về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị nhà thầu quan tâm bố trí tái định cư, công tác tái định cư phải đi trước một bước để ổn định đời sống cho bà con.

Trước đó, tại các cuộc làm việc với địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò "vốn mồi" dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội của nguồn vốn này. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương quyết tâm phân bổ hết vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như cả nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, khi vừa trải qua dịch COVID-19, để phục hồi nền kinh tế thì giải pháp tăng cường đầu tư công, đầu tư hạ tầng... sẽ kích cầu kinh tế. Do đó, đòi hỏi phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, càng giải ngân nhanh càng phục hồi nhanh, đảm bảo GDP phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động. Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thúc đẩy các dự án nhanh bàn giao và đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, tinh thần là kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân vốn, nhất là những dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 nhưng đến nay chưa giải ngân vốn để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật.