Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tiến hành cuộc khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp FDI về những khó khăn vướng mắc và những đề xuất của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay.
Đây là cuộc khảo sát nhằm giúp quá trình đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vào thực tiễn cho hiệu quả, tăng cường việc tuân thủ chính sách pháp luật của doanh nghiệp, cũng như đưa ra những kiến nghị, đóng góp của doanh nghiệp với cơ quan BHXH, giúp doanh nghiệp FDI và cơ quan BHXH tìm được tiếng nói chung.
Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 10 - 11/2016 với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI thuộc mọi ngành nghề trên địa bàn toàn quốc. Cuộc khảo sát tập trung một số nội dung, như: Thời hạn giải quyết chế độ BHTN; lộ trình tăng tỷ lệ nghỉ hưu trước tuổi đối với người lao động; thu hồi thẻ BHYT đối với lao động thôi việc; hộp thư, cổng thông tin cập nhật tin tức, chính sách đang chuẩn bị ban hành; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn về các văn bản, quy định mới cho doanh nghiệp trước khi ban hành.
Kết quả khảo sát cho thấy, ngành BHXH và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là kênh tiếp cận quan trọng nhất của doanh nghiệp với thông tin về luật, chính sách, thủ tục hành chính.
Cụ thể, có đến 65,5% doanh nghiệp được tiếp cận qua cơ quan BHXH; 59,4% qua các hội thảo tham vấn ý kiến doanh nghiệp và khóa đào tạo nghiệp vụ; 57,4% doanh nghiệp tiếp cận thông tin qua website của ngành BHXH. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông như báo chí và truyền hình cũng đóng góp đáng kể vào việc cập nhật thông tin mới cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp không gặp vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục của ngành BHXH là 70,8%. Tuy nhiên, vẫn còn 29,2% doanh nghiệp thừa nhận họ gặp các vướng mắc về công tác thực hiện trình tự, thủ tục hành chính của cơ quan BHXH. Về thái độ tiếp nhận giải quyết BHXH, các doanh nghiệp đều nhận xét tích cực về thái độ nhiệt tình, tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đánh giá này của doanh nghiệp cho thấy, văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của công chức, viên chức ngành BHXH đã chuyển biến tích cực theo mục tiêu phục vụ người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT tốt nhất.
Theo kết quả khảo sát, có 56,2% doanh nghiệp đề nghị gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cơ quan BHXH để được hỗ trợ sử dụng các phần mềm giao dịch điện tử, hướng dẫn trực tiếp về hồ sơ, biểu mẫu, thủ tục, trình tự và giải đáp thắc mắc với từng trường hợp cụ thể.
Cùng với đó, cơ quan BHXH cần thường xuyên cập nhật, thông tin, chính sách từ giai đoạn bắt đầu soạn thảo đến khi ban hành để doanh nghiệp có sự chuẩn bị sớm trước những thay đổi.
Đồng thời, cách thức thông tin, tuyên truyền cần đa dạng với nhiều hình thức hơn như qua thư điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH, in tờ rơi hằng năm (thường xuyên cập nhật), gửi văn bản hướng dẫn…