Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nhằm mở rộng tiếp cận tín dụng trong sản xuất nông nghiệp


Bài viết nhìn lại thực trạng chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với sản xuất nông nghiệp được ban hành và áp dụng trong những năm gần đây, chỉ ra một số hạn chế trong việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp; đề xuất một số nội dung cần hoàn thiện trong các quy định về hỗ trợ bảo hiểm nhằm góp phần mở rộng tiếp cận tín dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Đặt vấn đề

Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, vị trí của sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta đã có những thay đổi đáng kể những năm qua. Tuy nhiên, cho đến hết năm 2020, nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thuỷ sản) vẫn là một khu vực sản xuất quan trọng ở Việt Nam với giá trị sản lượng chiếm tỷ trọng 14,85% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lực lượng lao động chiếm tỷ trọng 32,8% trong lực lượng lao động của cả nước.

Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của lĩnh vực sản xuất này, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp nước ta trên thị trường thế giới và đưa sản xuất nông nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí hoặc tiền thuê đất và thuê mặt nước như đã áp dụng từ trước, trong thời gian gần đây, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư vào nông nghiệp còn chú trọng đến việc hỗ trợ về bảo hiểm và tiếp cận tín dụng.

Về thực chất, hỗ trợ bảo hiểm và hỗ trợ tiếp cận tín dụng là hai chính sách có mục tiêu khác nhau. Nếu như chính sách về tiếp cận tín dụng giúp các doanh nghiệp và cá nhân huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để phục vụ hoạt động đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thì chính sách về bảo hiểm lại hướng tới giúp các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giảm bớt thiệt hại về tài chính trong trường hợp gặp phải những rủi ro không mong muốn trong quá trình đầu tư cũng như sản xuất kinh doanh (thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn…).

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp lại có tác động lớn đến hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này, bởi nếu tổn thất của người vay vốn được hạn chế thì nguy cơ mất vốn hoặc mất nguồn thu của tổ chức tín dụng cũng được giảm thiểu.

Chính vì vậy, một chính sách hỗ trợ bảo hiểm có hiệu quả cũng chính là điều kiện quan trọng để phát triển hoạt động cho vay đối với các nhà đầu tư trong nông nghiệp.

Xuất phát từ lý do trên đây, nghiên cứu chính sách hỗ trợ nhằm mở rộng bảo hiểm đối với sản xuất nông nghiệp là một việc làm cần thiết nhằm thúc đẩy tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực này.

Việc làm này cũng phù hợp với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bởi trong các giải pháp được Chiến lược đề ra, thì đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó bao gồm phát triển các sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là một phần quan trọng của giải pháp phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.

2. Chính sách hiện hành về hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp

Chính sách của Nhà nước về hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp lần đầu tiên được ban hành và áp dụng một cách chính thức trong cả nước theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ (1).

Theo Nghị định này, ngoài các quy định về bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ còn áp dụng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp mà trong đó, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ là một số loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thuỷ sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) ở một số địa bàn nhất định với một số loại rủi ro được lựa chọn trong từng thời kỳ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mức hỗ trợ tối đa được Chính phủ cho phép áp dụng lên đến 90% phí bảo hiểm đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và 20% phí bảo hiểm đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Căn cứ chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg để quy định cụ thể về việc thực hiện chính sách này.

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp ở mức tối đa(2) đối với các tổ chức, cá nhân trồng lúa, chăn nuôi trâu, bò và nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở một số địa bàn với một số loại rủi ro được lựa chọn để hỗ trợ như mô tả tại Bảng 1.

Bảng 1: Quy định về đối tượng, địa bàn và rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nhằm mở rộng tiếp cận tín dụng trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1

Nguồn: Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

 Trước khi các Nghị định và Quyết định nói trên được ban hành, chính sách hỗ trợ bảo hiểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này (Nghị định số 89/2015/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP).

Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên theo các mức như mô tả tại Bảng 2.

Bảng 2: Chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ

Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nhằm mở rộng tiếp cận tín dụng trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2

Nguồn: Nghị định số 67/2014/NĐ-CP , Nghị định số 89/2015/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ

Bên cạnh chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản và tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ như trên, Nhà nước còn có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm thông qua điều khoản quy định về bảo hiểm trong hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Theo đó, khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, được tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng theo chính sách này, Nhà nước cũng ban hành các văn bản quy định về việc hỗ trợ nguồn vốn đối với các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ quốc gia (tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các chính sách hỗ trợ khác).

Với sự mở rộng phạm vi bảo hiểm trong nông nghiệp dưới tác động của việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nói trên, các tổ chức tín dụng cũng trở nên mạnh dạn hơn trong cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điều này có thể được minh chứng phần nào ở sự tăng lên không ngừng của dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp trong những năm gần đây.

Biểu đồ 1: Dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2020

Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nhằm mở rộng tiếp cận tín dụng trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Số liệu trong Biểu đồ 1 cho thấy nếu như năm 2014, dư nợ tín dụng đối với khu vực sản xuất nông nghiệp chỉ là 391.174 tỷ đồng, thì đến hết năm 2020, con số đó đã tăng lên gần gấp đôi, đạt 775.702 tỷ đồng.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bên cạnh tác động của các biện pháp khuyến khích cho vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, còn là do những e ngại của tổ chức tín dụng về các rủi ro liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay hoặc nguồn trả nợ của các khách hàng trong khu vực nông nghiệp cũng đã được giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp được ban hành và áp dụng cũng có một số hạn chế ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô bảo hiểm đối với các đối tượng sản xuất nông nghiệp.

Hạn chế đó có thể được nhận ra ngay từ sự thu hẹp phạm vi hỗ trợ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp so với Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể:

- Về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ: Trong khi đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP vốn đã bị giới hạn với 7 loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), 4 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và 3 loại thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra), thì đối tượng bảo hiểm được triển khai hỗ trợ phí bảo hiểm theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg thậm chí còn bị thu hẹp hơn với 1 loại cây trồng (lúa), 2 loại vật nuôi (trâu, bò) và 2 loại thuỷ sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

- Về thời gian thực hiện hỗ trợ bảo hiểm: Theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với các loại cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản quy định tại Quyết định này (cây lúa, trâu, bò, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) chỉ được áp dụng đến hết năm 2020.

Đến ngày 25/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, trong đó cho phép kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, tuy nhiên việc hỗ trợ này cũng chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.

- Về địa bàn được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp: Theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp là các tỉnh, thành phố thuộc các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ cho phép hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với 7 địa phương trồng lúa (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp), 8 địa phương nuôi trâu, bò (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương) và 5 địa phương nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

Ngoài ra, sự thu hẹp phạm vi hỗ trợ bảo hiểm đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng có thể được nhận ra trong sự gián đoạn của chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ cũng như sự thu hẹp phạm vi rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ và mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với các tàu này như đã mô tả trong Bảng 2.

Những hạn chế nói trên bắt nguồn từ khả năng thực tế của ngân sách nhà nước trong việc bố trí kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cũng như chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ bảo hiểm đối với lĩnh vực nông nghiệp trong từng thời kỳ.

Bản thân Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc điều chỉnh phạm vi hỗ trợ thông qua điều khoản trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ để quyết định cụ thể về đối tượng tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ cũng như mức cấp bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong trường hợp ngân sách nhà nước có điều kiện để bố trí nguồn kinh phí lớn hơn cho việc hỗ trợ bảo hiểm đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp thì có thể khẳng định rằng, quy mô bảo hiểm đối với các đối tượng sản xuất nông nghiệp sẽ được mở rộng hơn và kéo theo đó là khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng được tăng lên, làm tăng hơn nữa quy mô cho vay từ các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực này.

3. Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp

Số liệu được công bố tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ cho thấy, mặc dù Việt Nam đã có hơn 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản. Tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp này chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 96% số các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Trong khi đó, lực lượng còn lại tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp là các cá nhân và hộ gia đình cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào để thực hiện nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn.

Chính vì vậy, để có thể triển khai các dự án, phương án mở rộng quy mô hay nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, thì các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp vẫn phải trông chờ vào chủ yếu nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, bản thân hoạt động sản xuất nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều khả năng xảy ra tổn thất do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh, nên các tổ chức tín dụng thường không tránh khỏi những e ngại về rủi ro khi quyết định cho vay, từ đó ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của các khách hàng trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nhằm mở rộng quy mô bảo hiểm cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp là việc làm rất cần thiết để nâng cao khả năng của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Ngay cả Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, khóa XIV, cũng đã ban hành Nghị quyết trong đó yêu cầu đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp như một biện pháp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Để chính sách hỗ trợ bảo hiểm có thể tạo ra những chuyển biến lớn hơn trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của các khách hàng hay mở rộng quy mô cho vay của các tổ chức tín dụng, thì các cơ quan quản lý nhà nước (đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước mở rộng đối tượng bảo hiểm và địa bàn được hỗ trợ phù hợp với nguồn thu ngân sách của các địa phương cũng như khả năng bổ sung từ ngân sách trung ương cho các địa phương thực hiện việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cùng với đó, thời kỳ thực hiện việc hỗ trợ phí bảo hiểm cũng cần được tiếp tục kéo dài sau năm 2021 để tạo điều kiện cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp được bảo hiểm trước các rủi ro có thể xảy ra, nhất là trong điều kiện nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp như trên một mặt, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển lên một tầm cao mới, mặt khác cũng thúc đẩy mở rộng cho hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các tổ chức tín dụng.

Việc làm này không chỉ phù hợp với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như đã khẳng định ở phần đầu bài viết, mà còn phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai hệ thống bảo hiểm nông nghiệp được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng nhằm huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Chú thích:

(1) Trước khi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ra đời, chương trình bảo hiểm nông nghiệp cũng đã được thí điểm thực hiện ở một số địa phương trong giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc thí điểm đó đã kết thúc từ cuối năm 2013 nên trong bài viết này, tác giả sẽ không đề cập đến chính sách bảo hiểm và hỗ trợ phí bảo hiểm theo Quyết định này.

(2) Theo Điều 4 Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, mức hỗ trợ tính trên phí bảo hiểm nông nghiệp là 90% đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và 20% đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và tổ chức sản xuất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Tài liệu tham khảo:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014 - 2020), Thống kê dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế các năm 2014-2020, truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/dntddvnkt;

- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;

- Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;

- Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; 

- Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; 

- Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 

- Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; 

- Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; 

- Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013; 

- Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo số 245/BC-TCTK ngày 27/12/2020 về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020, truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/baocao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2020; 

- Tổng cục Thống kê (2021), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020, phát hành ngày 06/01/2021, truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020.

* Theo TS. Nguyễn Cảnh Hiệp - Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 16 năm 2021.

**Bài đăng lại trên: https://thitruongtaichinhtiente.vn/thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-bao-hiem-nham-mo-rong-tiep-can-tin-dung-trong-san-xuat-nong-nghiep-39691.html.