Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 trong lĩnh vực hải quan
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Hải quan nói riêng đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của ngành Tài chính cũng như của Chính phủ.
Đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính
Trên cơ sở kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính của ngành Hải quan năm 2016; Niêm yết công khai 168 thủ tục hành chính; Rà soát 13 thủ tục hành chính đối với loại hình sản xuất xuất khẩu, hàng phi mậu dịch, hàng tạm nhập tái xuất..; Kiến nghị đơn giản hóa 07 thủ tục; Phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ thống nhất nội dung đơn giản hóa 60 thủ tục.
Đồng thời, ngành Hải quan cũng từng bước triển khai kịp thời Cơ chế Một cửa quốc gia và Cơ chế Một cửa Asean. Tính đến 31/5/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 09/14 Bộ ngành với 31 thủ tục, trên 90.000 bộ hồ sơ, và 6.000 doanh nghiệp tham gia. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia dự kiến sẽ giảm 15% - 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Triển khai 09 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập chung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại 07 địa phương có lưu lượng hàng hóa lớn trên cả nước lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó rút ngắn đáng kể thời gian đăng ký kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan, đồng thời tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục được những tồn tại hiện có. Cùng với đó, thực hiện đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tổ chức các đợt làm việc chung để rà soát, tổng hợp 312 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (trong đó có 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành thuộc quản lý của các Bộ cần sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg).
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ cũng được ngành Hải quan chú trọng thực hiện. Tính đến ngày 31/5/2016, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng điện tử với 28 ngân hàng, với số thu chiếm 90,1% tổng số thu ngân sách nhà nước của hải quan; Triển khai kết nối trao đổi thông tin với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, đã triển khai cho 05 doanh nghiệp kinh doanh cảng tại Hải Phòng; Nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng Luật Hải quan 2014, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hải quan.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã tiến hành nâng cấp hệ thống thông quan điện tử, hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu giá tính thuế, quản lý cơ sở dữ liệu danh mục biểu thuế và phân loại mức thuế, hệ thống thông tin quản lý rủi ro để kết nối/ chuyển đổi dữ liệu với hệ thống VNACCS/VCIS. Xây dựng phân hệ tiếp nhận và xử lý thông tin trước về hành khách trên các chuyến bay thương mại phục vụ thông quan điện tử và quản lý rủi ro (API), hệ thống thông tin hỗ trợ ra quyết định nghiệp vụ giai đoạn 1.
Nhờ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, số thu nộp ngân sách nhà nước trong toàn ngành Hải quan từ ngày 01/01-30/6/2016 đạt 123.733 tỷ đồng (theo số liệu nhanh từ Kho bạc Nhà nước), bằng 47,3% dự toán, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2015. Trên cơ sở đó, nỗ lực phấn đấu đạt số thu ngân sách nhà nước tối thiểu 270 nghìn tỷ đồng trong năm 2016.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19
Trên cơ sở Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Bộ Tài chính, trong những tháng còn lại của năm 2016 và các năm tiếp theo, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật như: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi Tiết Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi Tiết Luật Hải quan; Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia…
Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực hải quan; triển khai hoạt động Cục Kiểm định Hải quan, thành lập một số Chi Cục Kiểm định trực thuộc Cục kiểm định trụ sở đặt tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố lớn; mở rộng thực hiện kiểm tra chuyên ngành với các địa Điểm kiểm tra tập trung tại cửa khẩu.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean, xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016-2020; củng cố và triển khai mở rộng ra toàn quốc với các thủ tục hành chính đã kết nối chính thức thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện thanh toán điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; triển khai sử dụng các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan; triển khai mở rộng hệ thống Tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hoá điện tử (e-Manifest) đối với tất cả cảng biển và cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc; tham gia kết nối Cơ chế một cửa ASEAN ngay khi 10 nước thành viên phê chuẩn Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN.
Trong thời gian tới, ngành Hải quan tập trung hoàn thiện và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng nhằm giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa, container tại các cảng biển; Phối hợp với các Ngân hàng thương mại mở rộng thanh toán điện tử; Giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ; xây dựng cơ sở pháp lý để triển khai mô hình kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa theo hướng tập trung cho nhiều Chi cục Hải quan; xây dựng Cơ chế kiểm soát về xuất xứ, bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hoá, phương tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình; triển khai cung cấp 49 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong năm 2016.
Trên cơ sở đó, phấn đấu đến cuối năm 2017, bảo đảm 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 và 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.