Thực phẩm cao cấp: Thật, giả khó lường
Hiện nay, thực phẩm cao cấp như yến sào, đông trùng hạ thảo được người tiêu dùng săn đón bởi giúp tăng sức đề kháng, phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phân biệt đươc hàng chất lượng cao hay thấp, trong khi giá cả lại vô cùng đắt đỏ.
Trong thời gian qua, số ca F0 tăng liên tục, nhu cầu người dân sử dụng yến sào, đông trùng hạ thảo cũng tăng cao, thậm chí yến sào còn “cháy hàng”. Chị Nguyễn Thu Hà (Đại Kim, Hà Nội) – một facebook chuyên bán yến – cho biết, yến mùa này chim đang đẻ và ấp, đặc biệt, dịch Covid-19 vừa đúng vụ yến khan hiếm nên giá có phần tăng lên. Đáng chú ý là trên mạng xã hội như: facebook, zalo, “người người, nhà nhà” bán yến, nhiều người đã nhập thêm mặt hàng này về làm đại lý phân phối, mỗi nơi một giá, tùy từng loại.
Đối với loại yến thô nguyên tổ, giá dao động từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/lạng; chân yến thô từ 2,2 - 2,7 triệu đồng/lạng; huyết yến đảo từ 7-10 triệu đồng/lạng; bạch yến đảo giá từ 5-7 triệu đồng/lạng, yến sào làm sạch giá từ 3 - 5 triệu đồng/lạng, yến vụn sơ chế, đóng viên nhỏ, giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/lạng... Ngoài ra còn các loại yến đã chưng sẵn kết hợp với nhân sâm, táo đỏ, kỷ tử, hạt sen… có giá rẻ hơn so với tổ yến nguyên chất, dao động khoảng 300.000 - 350.000 đồng/hộp (một hộp 6 hũ).
Cùng với yến sào, đông trùng hạ thảo cũng được nhiều người quảng cáo là thảo dược tiếp sức mùa dịch cho bệnh nhân mắc COVID-19. Trên mạng xã hội, mặt hàng này cũng được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Đối với đông trùng hạ thảo được nuôi trồng trong nước, giá “mềm” hơn, có loại chỉ 280.000 - 350.000 đồng/10g, nhưng cũng có loại lên tới 1,2 - 2 triệu đồng/10g.Còn hàng nhập khẩu cũng tùy từng giá, thấp nhất là 2 - 4,5 triệu đồng/10g khoảng 30 - 40 con, cao hơn khoảng 10 triệu đồng/10g…
Yến sào và đông trùng hạ thảo là thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe nhưng không thể sản xuất đại trà với số lượng lớn nên giá thường khá cao. Lợi dụng đặc tính quý hiếm của các mặt hàng này, không ít người đã trà trộn, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng để kiếm lời bất chính.
Theo các chuyên gia, yến thật thường khá thô và xơ độ dài sợi không đều, nếu cầm tổ yến thật trước ánh nắng mặt trời, sẽ thấy ánh sáng xuyên và sợi yến có màu trắng đục. Khi được ngâm trong nước thì nước ngâm và sợi yến không bị đổi màu, nở to, dai, có mùi tanh đặc trưng và mùi mốc của tổ yến. Những tổ yến làm giả, khi ngâm vào nước sẽ nở và nhão ra rất nhanh do được cấu tạo từ tinh bột.
Còn với đông trùng hạ thảo, đắt đỏ là vậy, song mặt hàng này cũng rất khó phân biệt thật, giả nếu như không có kiến thức. Bởi không phải loại đông trùng hạ thảo nào cũng có các hoạt chất như nhau. Với đông trùng hạ thảo nhập khẩu, rất khó kiểm tra, đánh giá chất lượng, bởi có thể sản phẩm đã bị rút hoạt chất quý, chỉ còn lại “rác dược liệu”. Khi tới tay người tiêu dùng, nếu bằng mắt thường thật khó để biết trong sản phẩm đó có còn hàm lượng hoạt chất Cordycepin và Adenosine (hai hoạt chất này có trong đông trùng hạ thảo tự nhiên) hay không.
Trước đó, vào năm 2021, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và tiêu hủy hơn 400 con đông trùng hạ thảo không rõ nguồn gốc tại Hà Nội, được rao bán bằng hình thức livetream thông qua facebook.
Giữa “ma trận” của thị trường yến sào, đông trùng hạ thảo, người tiêu dùng cần lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, địa chỉ rõ ràng; đặc biệt, sản phẩm phải được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”