Thực thi FTA thế hệ mới: Các thách thức với Việt Nam
Lợi thế và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại cho Việt Nam là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, các thách thức được dự báo cũng không hề nhỏ.
Các FTA thế hệ mới như hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có 4 đặc trưng cơ bản gồm: Mức độ cam kết rộng (bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ); Mức độ cam kết sâu (cắt giảm thuế gần như về 0% hết mà không có loại trừ); Cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ và bao gồm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mua sắm chính phủ, minh bạch hóa...
Các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện hơn so với các FTA truyền thống sẽ tác động đáng kể đến thị trường của các DN, môi trường kinh doanh, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan của Việt Nam và được nhận định là đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại thì khó khăn lớn từ các FTA này chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế. Áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt đến từ các đối thủ cạnh tranh trên chính thị trường nội địa.
Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia FTA có thể làm một số DN ở các nước đang phát triển, trước hết là các DNNN, các DN có công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.
Đối với hệ thống pháp luật, các FTA thế hệ mới đòi hỏi các thành viên tham gia phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của nước mình, trước hết là các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cạnh tranh của DNNN, lao động, đấu thầu, thương mại điện tử, môi trường, giải quyết tranh chấp…
Bên cạnh các cam kết mang tính truyền thống, số các cam kết mang tính quy tắc (rules), có ý nghĩa ràng buộc cách hành xử chính sách của các bên, là rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại, kinh doanh. Phần lớn các cam kết này đều phải thực hiện ngay khi FTA có hiệu lực hoặc trong một thời hạn rất ngắn sau đó. Điều này đặt ra thách thức lớn không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực thực thi đối với Việt Nam.
Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử công bằng của bộ máy nhà nước cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các cơ quan nhà nước. Chính phủ các thành viên của FTA sẽ phải thực hiện chính sách đầy khó khăn khi phải cân bằng giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại”…
Thời gian để triển khai và thực thi các cam kết tại các FTA cũng đang là lực cản lớn đối với Việt Nam. Với các FTA thông thường, tổng thời gian thực thi tất cả các cam kết kéo dài 10 năm. Với các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 5-7 năm; trong đó, nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2 - 3 năm.
Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức trong thực hiện cam kết của các FTA thế hệ mới, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập; Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế…
Về phía các DN và hiệp hội DN, để có một tâm thế chủ động cho một cuộc cạnh tranh sòng phẳng, cần tìm hiểu về CPTPP và EVFTA; có hành động tương ứng ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, DN cũng cần đồng hành với các cơ quan Nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực DN để có thể trở thành đối tượng thụ hưởng quan trọng của quá trình hội nhập.