Thực trạng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
Với việc Việt Nam đã ký kết các hiệp định kinh tế khu vực và quốc tế, trong thời gian tới hoạt động nhượng quyền thương mại chắc chắn sẽ rất sôi động, khi nước ta đón nhận hàng loạt những thương hiệu mới đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có cơ hội xâm nhập vào các thị trường nước ngoài để nhượng quyền các thương hiệu Việt.
Thực trạng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Nhượng quyền thương hiệu đã được chứng minh là một trong những mô hình kinh doanh thành công nhất trong vòng 100 năm qua, kể từ sau Thế chiến thứ II. Tại những quốc gia phát triển như ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Australia, nhượng quyền thương mại là mô hình chủ đạo để các doanh nghiệp (DN) vươn ra thị trường thế giới.
Tại Việt Nam, hình thức kinh doanh nhượng quyền đã có mặt từ trước năm 1975 thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như: Mobil, Exxon (Esso), Shell. Sau đó, nhượng quyền thương mại xuất hiện trở lại vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Trước sự phát triển của loại hình kinh doanh này, năm 2005, Luật Thương mại (Điều 284) cũng đã đề cập đến nhượng quyền thương mại.
Cùng với xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế nhanh chóng, Việt Nam trở thành thị trường được chú ý đối với các thương hiệu lớn quốc tế và khu vực. Hàng trăm thương hiệu lớn quốc tế và khu vực trong các lĩnh vực nhà hàng - ăn uống, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... đến từ Mỹ, Australia, Singapore, Tây Ban Nha đã không bỏ qua cơ hội vàng để tìm kiếm đối tác nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam, như: McDonald’s, Starbucks, KFC, Pizza Hut, Lotteria, The Coffee Bean & Tea Leaf, Cirkle K, Baskin Robbins, Buger King…
Trong khi đó, các DN trong nước cũng bắt đầu tìm cách nhượng quyền thương hiệu để làm “đòn bẩy” phát triển thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu của mình. Trung Nguyên có thể coi là hình mẫu tiên phong tại Việt Nam áp dụng hình thức kinh doanh này bằng cách phát triển hệ thống đại lý của mình theo hình thức nhượng quyền. Đến nay, DN này không những đã mở rộng chuỗi cửa hàng của mình trên khắp cả nước mà còn mở rộng sang một số nước, như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore…
Tiếp theo là Phở 24 – một trong những DN nhượng quyền thành công nhất tại Việt Nam. Bắt đầu xuất hiện từ năm 2003, chưa đầy 03 năm, Phở 24 đã có trên 20 cửa hàng phở nhượng quyền trong khắp cả nước, sau đó nhượng quyền sang Phillipine, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Australia... Ngoài ra, có thể kể đến Kinh Đô bakery, thời trang Ninomax, Foci, giày dép T&T... Đặc biệt, T&T là một trong những DN đầu tiên được Bộ Công Thương cấp phép nhượng quyền sang Maysia và Australia.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến đầu năm 2016, Việt Nam đã đón nhận 144 thương hiệu đến từ các quốc gia đăng ký nhượng quyền thương hiệu. Trong khi đó, chỉ có 5 thương hiệu của Việt Nam đăng ký nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài ở lĩnh vực cà phê, thời trang như: Trung Nguyên, T&T, Phở 24... Dự báo, thị trường nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 25% cùng với sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế lớn mạnh và các thương hiệu đến từ khu vực ASEAN.
Thách thức đến từ hội nhập
Theo các chuyên gia kinh tế, sau một thời gian nghiên cứu, thị trường nhượng quyền thương mại đang dần trở thành một kênh đầu tư kinh doanh nổi trội, có độ thích ứng cao và khả năng phát triển mạnh tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đánh giá cao Việt Nam những tiềm năng lớn như: Dân số trẻ khá đông, sức tiêu thụ cao, thu nhập ngày càng tăng của người dân đặc biệt là giới trẻ…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhượng quyền của đối tác nước ngoài cho các DN Việt Nam hiện chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (nhượng quyền độc quyền), hay còn gọi là phát triển hệ thống chuỗi.
Rất ít thương hiệu quốc tế tại nước ta phát triển thị trường qua hình thức nhượng quyền cấp 2, khi đối tác cấp 1 tiếp tục nhượng quyền từng chi nhánh, hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo như cách làm tại các thị trường phát triển.
Trong khi đó, đối với các DN nhượng quyền trong nước, thách thức không chỉ cạnh tranh quyết liệt với các đối tác nhượng quyền hàng đầu tại thị trường trong nước mà còn đối mặt với không ít khó khăn. Thiếu vốn, thiếu trình độ quản lý và kiểm soát, chưa chuẩn hoá được quy trình và thương hiệu, chưa hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp, nên hầu như không thể thực hiện được mô hình nhượng quyền thương mại toàn diện.
Thực tế cho thấy, đã có không ít DN Việt Nam phải thất bại, kể cả những thương hiệu được coi là thành công như Phở 24 cũng từng phải đóng cửa 3 cửa hàng nhượng quyền ở Singapore và Việt Nam.
Ngoài ra, tại những quốc gia phát triển, nhượng quyền là một trong những lĩnh vực được các ngân hàng và tổ chức tài chính tích cực tham gia cho vay tín chấp, từ cho vay tổng đầu tư dự án (lên đến 70% tổng chi phí đầu tư) đến cho vay mua trang thiết bị, máy móc, hay vay vốn lưu động để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tiếp cận vốn ngân hàng của DN nói chung và DN nhận nhượng quyền là không hề đơn giản.
Tạo cơ hội cho đối tác, mở rộng thị trường tại Việt Nam
Nhằm giúp các DN trong nước tận dụng được cơ hội hội nhập để phát triển nhượng quyền thương mại; đồng thời; tạo môi trường thuận lợi cho các đối tác nước ngoài mở rộng thị trường tại Việt Nam, trong thời gian tới cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:
Một là, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ loại hình kinh doanh này phát triển. Theo đó, cần hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, phù hợp với các cam kết hội nhập mà Việt Nam đang tham gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh thuận lợi, chú trọng đơn giản hóa các thủ tục thuế và cấp phép cho các đối tác nước ngoài đến Việt Nam.
Trong khi đó, đối với các DN trong nước có kế hoạch nhượng quyền tại nước ngoài, Nhà nước cần đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường trọng tâm, tạo điều kiện cho DN tham gia các hội nghị xúc tiến, ưu đãi về vốn để DN trong nước tạo dựng thương hiệu và thị trường ra bên ngoài...
Hai là, chú trọng các chương trình đào tạo về nhượng quyền thương mại trong bối cảnh hội nhập cho cộng động DN và sinh viên tại các trường đại học. Bên cạnh đó, các DN nhượng quyền cần có chính sách đào tạo cho đối tác nhận quyền bởi chỉ có đào tạo liên tục thì các triết lý kinh doanh từ DN nhượng quyền mới chuyển giao trọn vẹn cho nhà nhận quyền.
Từ đó, mọi quy trình, quy định, phương pháp kinh doanh… tại các đại lý nhượng quyền mới thực sự quy chuẩn. Hơn nữa, việc đào tạo này cũng là cơ hội để các nhà nhận quyền chia sẻ thông tin đến nhà nhương quyền, qua đó, thắt chặt hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, để cùng duy trì và phát triển tốt đẹp hệ thống nhượng quyền thương mại.
Ba là, DN cần xác định tính khả thi của mô hình nhượng quyền đối với ngành nghề mình đang kinh doanh, tái cấu trúc, củng cố và phát triển nội lực DN trước khi chuyển sang áp dụng mô hình nhượng quyền; cuối cùng là xây dựng nền tảng hỗ trợ thiết yếu trong nhượng quyền bao gồm nền tảng thương hiệu và tiếp thị, nền tảng vận hành và cung ứng, nền tảng nhân lực, đào tạo và nền tảng phát triển hệ thống nhượng quyền. Nếu DN vội vàng nhượng quyền mà thiếu đi những chuẩn bị nền tảng này, rủi ro thất bại của hệ thống sẽ rất cao.
Bốn là, xây dựng một văn hóa trung thực, chia sẻ và cam kết đối với hệ thống nhượng quyền của mình. Bất cứ sự không rõ ràng nào trong việc xây dựng hệ thống cũng là những nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến sự cam kết, niềm tin của nhà nhận quyền đối với DN nhượng quyền.
Do vậy, các thông điệp, chính sách từ DN nhượng quyền cần được quy định rõ ràng trong hợp đồng nhượng quyền và cam kết thực hiện các chính sách này. Từ đó, các chính sách, quy trình từ DN nhượng quyền mới được thực thi một cách trọn vẹn. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của một hệ thống nhượng quyền nói riêng và lĩnh vực nhượng quyền thương mại nói chung.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phi Vân, Tổng quan về nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, NXB Trẻ phát hành 11/2015;
2. Phương Ly, 2016, Phát triển nhượng quyền thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số giải pháp phát triển bền vững; Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia;
3. Phạm Thứ Triệu, 2015, Thực trạng mô hình nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.