Thực trạng tự chủ tài chính tại Đại học Tài chính – Marketing
Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2014-2017 nêu rõ “cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”. Bài viết trình bày kinh nghiệm của Đại học Tài chính – Marketing trong thí điểm tự chủ tài chính, đề xuất một số kiến nghị cho quá trình đổi mới quản trị đại học nói chung và tự chủ đại học nói riêng ở Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngày 24/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2014-2017. Tự chủ theo Nghị quyết 77/NĐ-CP được hiểu là khả năng độc lập và tự quản trị của cơ sở giáo dục công lập.
Yêu cầu về tự chủ xuất phát từ nhu cầu nâng cao khả năng đáp ứng của trường đại học với môi trường xã hội, kinh tế và thích ứng với sáng tạo và công nghệ thay đổi. Cộng đồng đại học châu Âu đã xác định bốn thành phần của tự chủ là: (1) Tự chủ học thuật; (2) tự chủ tài chính; (3) tự chủ tổ chức; (4) tự chủ nhân sự. Trong phạm vi bài viết, các tác giả tập trung vào thành phần tự chủ tài chính trong thành tố tự chủ của quản trị đại học.
Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của Đại học Tài chính – Marketing
Đại học Tài chính – Marketing là trường đại học đầu tiên trực thuộc Bộ Tài chính được giao thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NĐ-CP. Đối với Trường, đây là niềm vinh dự khi được lãnh đạo Bộ tin tưởng giao nhiệm vụ, đồng thời cũng có không ít thách thức trong quá trình thực hiện Đề án. Đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Trường Đại học Tài chính – Marketing giai đoạn 2015 – 2017, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 378/QĐ-TTg ngày 23/03/2015.
Mức học phí cho các năm học từ 2015 đến 2017: Trường đã dự toán kinh phí đào tạo trung bình cho một sinh viên đại học chính quy trên cơ sở những điều kiện cần thiết để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn 2015-2017, bao hàm cả việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội và đối với người học cũng như giảm dần nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong kinh phí đào tạo, bổ sung từ nguồn thu học phí và nguồn thu tự tạo của trường.
Theo kết quả tính toán, mức học phí Đại học Tài chính – Marketing xây dựng cho đề án tự chủ giai đoạn 2015-2017 và cam kết không thay đổi. Mức học phí của trường đã tính đầy đủ các hoạt động đào tạo cho 1 sinh viên chính quy (riêng khoản chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất năm 2015-2016 mới chỉ tính 70% suất chi cần thiết; năm 2016-2017: 80% và năm 2017-2018: 90%). Danh mục các công việc đã tính đủ vào học phí bao gồm: Thủ tục nhập học, thẻ sinh viên; Học các môn học theo chương trình đào tạo; Thi hết môn, tốt nghiệp lần 1, thực hiện chuyên đề, khóa luận, luận văn, luận án lần 1 trong chương trình đào tạo; Phúc khảo bài thi; Sử dụng thư viện và cơ sở vật chất, các thiết bị của trường trong thời gian đào tạo, cấp bảng điểm chính; Phát bằng, tổ chức lễ tốt nghiệp.
Các chương trình đào tạo khác sẽ tính mức học phí theo hệ số quy đổi (từ năm 2015-2016, mức thu chương trình chất lượng cao bằng 2,2 lần so với đại trà - Khoá 2015 đang thu = 2,5 lần đại trà). Mức học phí trên được áp dụng đối với các khóa tuyển sinh từ năm học 2015-2016. Các khóa đang học mức thu học phí sẽ điều chỉnh tăng theo lộ trình và không vượt quá 30% so với mức thu hiện hành.
Các khoản thu học phí: Bên cạnh các hoạt động đào tạo đã tính đầy đủ trong học phí, để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học, Trường sẽ thực hiện các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ đào tạo gia tăng. Các khoản này sẽ được tính toán và công khai các mức thu trên cơ sở lấy thu bù đắp chi phí và có tích lũy. Các hoạt động này bao gồm: Đăng ký dự thi các hệ đào tạo; Phí tuyển sinh các hệ đào tạo; Ôn thi tuyển sinh các hệ đào tạo; Ôn tập và thi các môn (ngoài chương trình học) theo chuẩn đầu ra; Gia hạn thời gian học tập các hệ đào tạo; Bồi dưỡng, bổ túc kiến thức; Thu tiền ký túc xá; Thủ tục chuyển khóa, chuyển trường…
Chế độ trả lương cho người lao động: Căn cứ Điều 18, khoản 2, Nghị định 43/2006/NĐ-CP; Đại học Tài chính – Marketing xây dựng chế độ trả lương, thu nhập như sau: Thực hiện thang bảng lương và mức lương cơ bản theo quy định hiện hành; Quyết định tổng mức thu nhập cho người lao động trong năm sau khi đã trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định.
Đại học Tài chính – Marketing xây dựng phương án phân phối thu nhập tăng thêm dựa trên các tiêu chí:
- Vai trò công việc, kết quả thực hiện, thâm niên, chức danh, học vị. Trường cam kết đảm bảo ổn định và gia tăng thu nhập thực tế của người lao động trong thời kỳ tự chủ;
- Đảm bảo tiền lương được trả theo quy định của Nhà nước, được phân phối công bằng trên cơ sở vai trò và hiệu quả công việc;
- Xây dựng và hoàn chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm trên tinh thần dân chủ, công khai.
Trích lập các quỹ: Sau khi thực hiện bù đắp các chi phí thường xuyên, đảm bảo chất lượng cam kết và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, phần chênh lệch thu chi sẽ được phân phối: Trích tối thiểu 25% cho quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập; Quỹ hỗ trợ sinh viên.
Chế độ miễn, giảm, chính sách học bổng, tín dụng sinh viên: Căn cứ Khoản 4, Điều 1 của Nghị quyết 77/NQ-CP, Trường xây dựng chính sách học bổng khuyến khích học tập và hỗ trợ tín dụng cho sinh viên. Đối với các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, sinh viên nghèo, cận nghèo sẽ được miễn giảm 100% học phí theo quy định của Nhà nước. Phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước và mức học phí của Trường sẽ được Trường cấp bù toàn bộ để đảm bảo các sinh viên thuộc đối tượng này được hưởng các chính sách bằng và hơn các trường không tham gia thí điểm tự chủ.
Trường ưu tiên bố trí chỗ ở ký túc xá cho các đối tượng chính sách, sinh viên nghèo, sinh viên khuyết tật và bị di chứng do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Ngoài các đối tượng miễn, giảm học phí theo chính sách của Nhà nước, Trường sẽ xây dựng chính sách học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên học tập xuất sắc, giỏi theo quy định và các sinh viên tài năng, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc được hưởng chính sách miễn giảm nêu trên.
Quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên được xây dựng từ các nguồn: Trích 8% từ nguồn thu học phí đại học hệ chính quy để lập quỹ học bổng khuyến khích học tập theo quy định tại thông tư 31/2013/TT-BGDĐT ngày 01/8/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trích từ chênh lệch thu chi hàng năm để lập quỹ hỗ trợ sinh viên; Sử dụng nguồn thu từ lãi tiền gửi các ngân hàng thương mại; Huy động cựu sinh viên, tổ chức doanh nghiệp khác tham gia đóng góp cho quỹ hỗ trợ sinh viên. Trên cơ sở nguồn học bổng và mức học phí hàng năm, Trường xây dựng chính sách học bổng và xác định mức học bổng.
Tín dụng sinh viên: Trường liên kết với các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách tín dụng sinh viên gắn liền với quá trình quản lý đào tạo của trường.
Về đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất: Trường tự chủ trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất theo quy định chung của Nhà nước; Lập kế hoạch vay vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng phát triển để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, khai thác tối đa các tài sản đã đầu tư trên đất để kinh doanh dịch vụ, liên kết đào tạo, cho thuê đối với các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao của trường và theo quy định của pháp luật; Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về mua sắm tài sản công, quy định về đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Những thành công ban đầu
Về tài chính
Học phí: Đại học Tài chính – Marketing được thu học phí ổn định theo mức thu đã nêu trong Đề án. Việc thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP đã tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị được quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) và mức học phí cho từng chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo. Theo đó, Đại học Tài chính – Marketing được thu học phí ổn định theo kế hoạch nêu trong Đề án.
Trường được quyết định mức thu học phí đối với các chương trình đặc thù theo đề án mở chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc được giao tự chủ xác định mức thu học phí giúp Trường tính tương đối đầy đủ các chi phí cần thiết cấu thành trong giá dịch vụ đào tạo, từ đó chủ động được các khoản chi và tích lũy để đầu tư.
Thu sự nghiệp, dịch vụ: Trường thực hiện các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ đào tạo gia tăng để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học. Khoản thu từ các hoạt động này được công khai trên cơ sở lấy thu bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý. Đây chính là việc đa dạng hóa các nguồn thu nhằm tăng thu, đảm bảo hoạt động, tăng tích lũy, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.
Tiền lương và thu nhập: Trường được quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước. Đây chính là một trong những động lực để Nhà trường phát huy tốt nội lực, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, khai thác tốt và triệt để các nguồn thu hợp pháp để từng bước cải thiện thu nhập chính đáng cho người lao động, tăng tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất.
Việc sử dụng nguồn thu: Các đơn vị được phép gửi các khoản thu từ học phí và các khoản thu sự nghiệp khác vào ngân hàng thương mại (đây là điểm mới vì trước đây nhà trường chỉ được phép gửi các khoản thu sự nghiệp khác).
Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được trích lập 05 quỹ (Bổ sung thêm quỹ hỗ trợ sinh viên, trước đây là 04 quỹ), đây là một trong những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 77, đó là: “… giảm chi cho NSNN đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách…”
Chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách
Nhà nước tăng mức cho vay ưu đãi đối với sinh viên của các trường được giao tự chủ, trong đó có Đại học Tài chính – Marketing. Điều này đã giúp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có nhiều cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay để tiếp tục đến trường hoàn thành ước mơ của bản thân. Đại học Tài chính – Marketing hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường so với mức học phí được miễn, giảm theo quy định của Nhà nước đối với các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Về công tác đầu tư mua sắm
Đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Trường Đại học Tài chính – Marketing giai đoạn 2015 – 2017, nêu rõ: “… tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ nguồn NSNN và tích lũy của Trường trong Chiến lược phát triển Trường đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định 2772/QĐ-BTC ngày 12/11/2013”. Như vậy, Đại học Tài chính – Marketing sẽ được NSNN tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở trường để từng bước đảm bảo điều kiện giảng dạy và học tập theo tinh thần Quyết định số 699/QĐ-TTg ngày 01/6/2009 và Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011.
Hạn chế và nguyên nhân
- Nguồn thu chủ yếu của Nhà trường là từ thu học phí, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy và đào tạo sau đại học năm học 2015-2016 giảm đáng kể so với năm học trước; hệ vừa làm vừa học có chỉ tiêu nhưng lại khó tuyển sinh; Nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu, nay lại chia sẻ cho người học (lập các quỹ hỗ trợ sinh viên), vì vậy tổng thu được sử dụng cho hoạt động của Trường bị thu hẹp.
Thực hiện Quyết định 378, kể từ năm học 2015 -2016 quỹ học bổng sẽ được bố trí tối thiểu 8% nguồn thu học phí chính quy, chỉ tính riêng năm 2015 Trường sẽ phải bố trí kinh phí cho khoản chi này khoảng 8,5 tỷ đồng và năm 2016-2017 dự kiến 11 tỷ đồng. Đây là khoản tiền tương đối lớn đối với Trường.
- Trong danh mục 05 trường đầu tiên được tự chủ tài chính trên toàn quốc thì Đại học Tài chính – Marketing là trường có cơ sở vật chất rất “khiêm tốn”, phải thuê dài hạn một số địa điểm tổ chức đào tạo, vì cơ sở chính không chưa đáp ứng.
- Từ năm 2009, Trường được Bộ Tài chính giao là loại hình đơn vị sự nghiệp đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, chính vì vậy hàng năm kinh phí NSNN cấp cho mua sắm là không đáng kể; mặt khác xuất phát từ việc một số cơ sở vật chất thuê mướn nên việc mua sắm tài sản, trang thiết phục vụ giảng dạy, học tập đi kèm đều chưa được đầu tư đồng bộ, chậm đổi mới về công nghệ.
Từ khó khăn trên cho thấy, trong thời gian tới nguồn thu của trường bị hạn chế hay nói cách khác bị giảm sút đáng kể (mặc dù học phí cho khóa mới tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp chỉ tiêu tuyển sinh được giao giảm), trong khi các khoản chi tăng đáng kể: (1) Học bổng, học phí cho các đối tượng chính sách, (2) Chi phí mua sắm trang thiết bị cho khối nhà ký túc xá – thư viện dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2015 và tháng 11/2015; (3) Tiền lương và thu nhập của giảng viên, cán bộ viên chức, nhân viên tăng cơ học về số lượng người để từng bước đáp ứng yêu cầu, tăng do nhà nước điều chỉnh mức lương cơ bản (dự kiến tháng 6/2016).
Một số kiến nghị
Phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Quá trình phát triển đội ngũ phải hài hòa giữa đào tạo lại nguồn lực hiện hữu và tuyển dụng mới; giữa cắt giảm quy mô tuyển sinh và bình ổn thu nhập cho giảng viên… Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép Trường có lộ trình phát triển đội ngũ, để đến năm 2020 sẽ đạt tiêu chuẩn về giảng viên (số lượng và chất lượng).
Đổi mới giáo trình, bài giảng để nâng cao chất lượng
Từ năm học 2015 – 2016, Trường thống nhất tên học phần tương ứng với chương trình đào tạo của các đại học tiên tiến cùng ngành/chuyên ngành, nhằm tạo điều kiện chuẩn hóa giáo trình và liên thông, liên kết giữa các đại học. Việc sử dụng giáo trình nước ngoài (tiếng Anh) cho sinh viên chất lượng cao tốn nhiều chi phí; còn Việt hóa các giáo trình này để phục vụ cho sinh viên đại trà cũng tốn kém rất nhiều kinh phí và thời gian. Trường kiến nghị được tiến hành dự án chuẩn hóa giáo trình và vay vốn ODA để tài trợ cho dự án này.
Cơ chế nghiên cứu khoa học
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường còn khiêm tốn, chủ yếu là phục vụ cho hoạt động giảng dạy của giảng viên thông qua các đề tài cấp cơ sở. Với định hướng nghiên cứu ứng dụng, Trường đề xuất Bộ Tài chính đặt hàng, hoặc tổ chức đấu thầu các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm tư vấn chính sách cho Chính phủ, cho Bộ Tài chính, để Trường và các cơ sở đào tạo khác thuộc Bộ Tài chính tham gia.
Với định hướng nghiên cứu hàn lâm, Trường dự kiến sẽ tài trợ cho các đề tài nghiên cứu mà kết quả sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế được xếp hạng, với kinh phí thỏa đáng. Một số nghiên cứu dạng này sẽ đăng ký với Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) để nhận tài trợ.
Cơ sở vật chất cần có để phục vụ đào tạo và quản lý
Cơ sở vật chất của Trường hiện nay chủ yếu là đi thuê. Để đảm bảo chuẩn cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường dự kiến sẽ xin giao đất và đầu tư xây dựng giảng đường, thư viện… Ngoài vấn đề về quỹ đất (xác định địa điểm, chi phí đền bù, giải tỏa, di dời), kinh phí đầu tư (theo Đề án, Trường sẽ đảm nhận đối với các dự án xây dựng mới trong giai đoạn 2015-2017), trình tự, thủ tục thực hiện dự án theo quy định hiện hành đối với đầu tư công sẽ kéo dài quá trình xây dựng cơ sở vật chất. Trường kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục tài trợ cho một dự án đầu tư mới, tạo điều kiện cho Trường tiếp cận các quỹ hỗ trợ tín dụng ưu đãi của trung ương và địa phương để vay vốn.
Tài liệu tham khảo:
1. Aghion, P., M. et al. (2010). “The governance and performance of universities: evidence from Europe and the US”. Economic Policy. Pp. 7–59 CEPR, CES, MSH. Great Britain, 2010;
2. Aghion, P., M. et al. (2008). “Higher aspiration: an agenda for reforming European universities”. Bruegel Blueprint 5;
3. Jaramillo, A. et al (2012). “Universities through the Looking Glass: Benchmarking University Governance to Enable Higher Education Modernization in MENA”. The World Bank, 69071.