Thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam
Năng suất lao động thấp đang ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam và trở thành vấn đề nóng được các chuyên gia bàn thảo tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam với chủ đề “Tăng năng suất – Đòn bẩy cho phát triển bền vững” ngày 13/12/2017. Trên thực tế, không phải tới bây giờ, câu chuyện tăng năng suất mới được đề cập mà từ lâu, Chính phủ đã xem tăng năng suất lao động là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vấn đề này càng đặt ra rốt ráo hơn bao giờ hết khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm biến chuyển thế giới.
Bức tranh năng suất lao động ở Việt Nam
Tăng trưởng bền vững hiện đang đặt ra những thách thức lớn với Việt Nam, bởi là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao của khu vực, song tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam lại đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, từ 7,3% trong giai đoạn 1990-2000 xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001-2010 và tiếp tục giảm xuống 5,96% trong giai đoạn 2011-2016. Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể trở lại mức cao 6,7%, song đây chưa phải là mức tăng trưởng bền vững.
Năng suất lao động là một chỉ số chính của thị trường lao động, phản ánh tăng trưởng kinh tế bền vững, khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong sử dụng lao động của mỗi quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, khi các động lực tăng trưởng kinh tế đã dần tới hạn, khi cách thức tăng trưởng cũ (chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên...) đã không còn phù hợp, thì đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững chính là vấn đề tăng năng suất. Tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Minh chứng là yếu tố này đã đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012. Nếu không tăng nhanh năng suất lao động, Việt Nam không thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại vẫn đang có một khoảng cách lớn về năng suất lao động giữa các ngành, cũng như khi so sánh với các nước khác trong cùng khu vực. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt 9.894 USD, tức chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% Malaysia; 36,5% Thái Lan; 42,5% Indonesia; 56,7% Philippines và 87,4% Lào.
Nhận định của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam với chủ đề “Tăng năng suất – Đòn bẩy cho phát triển bền vững” được tổ chức mới đây cũng cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và so với yêu cầu phát triển. Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn còn ở mức cao, so với Singapore năm 2016 là 14,3 lần; với Maylaysia 5,7 lần, với Thái Lan 2,7 lần.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam cũng cho thấy, trong 5 năm qua, dù đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận, nhưng năng suất lao động yếu là vấn đề rất quan ngại với Việt Nam. Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt trung bình 4%/năm, ở cùng giai đoạn phát triển như Việt Nam, Trung Quốc đạt tốc độ 7%, Hàn Quốc là 5%. Mức tăng trưởng năng suất lao động trên sẽ khó giúp Việt Nam đạt tăng trưởng nhanh và bền vững.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, giai đoạn 2006-2016, mức đóng góp của năng suất lao động vào tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế khá lý tưởng, đạt 65,7% bình quân cả giai đoạn.
Số liệu về tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2006-2016 của 20 ngành kinh tế cấp 1 cho thấy, tất cả các ngành kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng dương, song có tới 11/20 ngành kinh tế đạt được giá trị tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động. Trong đó, có 4/20 ngành suy giảm năng suất lao động bình quân trong giai đoạn 2006-2016 và 7/20 ngành kinh tế tăng trưởng giá trị tăng thêm dựa vào tăng trưởng lao động (đóng góp của tăng năng suất lao động trong tốc độ tăng trưởng chưa đạt mức lý tưởng 60%). Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có tới 50% số ngành kinh tế tăng trưởng giá trị tăng thêm không dựa vào tăng năng suất lao động.
Như vậy, thời gian qua dù năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện, song vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thấp so với nhu cầu phát triển. Năm 2017, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đã tăng 5,87%, cao hơn mức tăng 5,29% của năm 2016, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
Một thực trạng đáng lo ngại khác là các động lực trước đây trong tăng năng suất của kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ chỗ đóng góp phần lớn vào tăng năng suất lao động thì nay đã đóng góp ngày càng ít hơn. Nếu giai đoạn 2008-2010, chuyển dịch cơ cấu ngành đóng góp khoảng 59%, thì giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn khoảng dưới 30%, có năm chỉ còn khoảng dưới 10%.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp – một trong những ngành được coi là thế mạnh của Việt Nam, theo Viện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng năng suất có dấu hiệu suy giảm. Tăng trưởng các nhân tố tổng hợp TFP ở Việt Nam có xu hướng không cao và giảm dần. Các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, các nhân tố tổng hợp TFP đóng góp 80% vào tăng trưởng nông nghiệp, ở Việt Nam giai đoạn 2000-2010 là 57%, từ năm 2010 trở lại đây chỉ 35%.
Ngoài ra, Việt Nam đang rơi vào tình trạng tăng trưởng năng suất bị chững lại. Đặc biệt, năng suất vẫn thấp và giảm mạnh ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh. Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đưa ra tại Hội thảo Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình DN ở Việt Nam, ngày 14/9/2017, so với các loại hình DN khác, năng suất lao động bình quân hàng năm/lao động trong DN ngoài quốc doanh đứng ở vị trí thấp nhất trong giai đoạn 2011-2014. Khoảng cách về năng suất lao động của loại hình DN này với các loại hình DN đang ngày càng nới rộng.
Để nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam
Trong thời gian qua, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Chính phủ cũng đã và đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh; Cải thiện cơ chế phân bổ vốn đầu tư cũng như khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực DN nhỏ và vừa, bên cạnh cải cách chính sách đất đai, tháo gỡ nút thắt về hạn điền… Đồng thời, chú trọng phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ… Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa nhằm nâng cao năng suất lao động.
Đặc biệt, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,85%/năm trong 3 năm tới, tốc độ tăng năng suất cần phải nhanh hơn nữa, trong đó tăng năng suất lao động phải đạt bình quân khoảng 6% so với 4,6% giai đoạn 2011-2015 và 5,5% giai đoạn 2014-2016. Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động phải tăng thêm 26% so với giai đoạn 2011-2017 và khoảng 10% so với giai đoạn 2014-2016. Đây là mục tiêu đầy thách thức đối với Việt Nam hiện nay. Do vậy, để tăng nâng cao năng suất lao động, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần đảm bảo phân bổ nguồn lực phù hợp, trong đó chú trọng đến nguồn lực đất đai và vốn. Để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp chính là chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao, chưa chú trọng đào tạo lại và đào tạo nâng cao.
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhận lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp. Do đó, thời gian tới cần chú trọng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi hiệu quả cho hoạt động nâng cao năng suất lao động, nhất là khi nguồn vốn này đang giảm dần, vì Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Thứ hai, nâng cao năng suất các TFP, cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. TFP ngày càng đóng góp tăng trong tăng trưởng kinh tế.
Năm 2017, đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP ước đạt 44,13%, cao hơn so với năm 2016 (40,68%) và cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%). Do vậy, trong thời gian tới, cần quan tâm nâng cao yếu tố TFP.
Ngoài ra, chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện để qua đó, Chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả; Tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ…
Thứ ba, khuyến khích cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, bằng cách tăng cường nguồn vốn con người và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Khuyến khích DN đầu tư cho khoa học và công nghệ, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Đồng thời, nghiên cứu thành lập ủy ban tư vấn kỹ thuật bao gồm các chuyên gia công nghiệp, nhà quản lý và đại diện DN của Việt Nam để xác định các DN của Việt Nam so với các DN đang ở tuyến đầu công nghệ và các biện pháp hỗ trợ về mặt thể chế. Ủy ban này thường xuyên thẩm định các mục tiêu chính sách so với mục tiêu đuổi kịp và nhảy vọt về công nghệ trong các thị trường hiện có và thông qua liên kết các thị trường một cách sáng tạo.
Thứ tư, chủ động hội nhập quốc tế, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê (2016), Năng suất lao động của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp;
2. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (2017), Tài liệu hội thảo quốc tế “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng”;
3. Lê Thúy (2017), Hóa giải thách thức tăng năng suất lao động, Thời báo Kinh doanh;
4. Hà Nguyễn (2017), Đòn bẩy của tăng trưởng bền vững, Báo Đầu tư;
5. Hà Linh (2017) Báo động năng suất lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước, Báo Đầu tư Chứng khoán;
6. Thanh Hòa – Huyền Anh (2017), Giải pháp nào để tăng năng suất lao động, Báo Nhân dân.