Triển khai giải pháp đồng bộ để cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội

Theo Song Anh/daibieunhandan.vn

Số người hưởng lương hưu tăng đi kèm với đó là tình trạng mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang đặt ra bài toán cấp thiết phải có lời giải về chính sách cho phát triển hệ thống BHXH. Bởi nếu không bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), nguy cơ vỡ quỹ có thể xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

BHXH tự nguyện vẫn vắng khách 

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2009, năm đầu triển khai quy định BHXH tự nguyện, mức tham gia BHXH tự nguyện đã tăng 6,7 lần so với năm 2008. Tuy nhiên, những năm sau đó, đặc biệt từ năm 2013, mức độ gia tăng giảm nhanh. Kết quả là sau gần 9 năm thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 200.000 người, chiếm 0,42% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Do đó, để tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, kể từ ngày 1/1/2018, theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP về BHXH tự nguyện, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện với những đối tượng nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác, tỷ lệ lần lượt là 30%, 25% và 10%. Mức hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ làm tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện, vì thực tế những năm qua cho thấy, mức độ tham gia BHXH thường thay đổi khi có sự thay đổi về cơ chế chính sách.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Nguyễn Sỹ Đại, mục tiêu mở rộng 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện đến năm 2020 là không dễ, khi mức hỗ trợ này dựa trên mức sống trung bình vùng nông thôn là 700.000 đồng/tháng là không nhiều.

Chưa kể, quy định về thời gian đóng góp của BHXH tự nguyện được cho là không hấp dẫn, vì kéo dài tới 20 năm, với mức đóng lên tới 22%, trong khi nếu làm ở doanh nghiệp và nộp BHXH bắt buộc, thì chủ sử dụng đã đóng tới 70%, người lao động chỉ đóng 30%. Tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, với bình quân 28 năm đóng BHXH tương ứng tuổi nghỉ hưu thực tế là 54,2 và kỳ vọng sống là 78,8 tuổi thì  thời gian hưởng lương hưu thực tế của Việt Nam sẽ là 24,6 năm.

Nhưng số tiền đóng BHXH của người lao động trong 28 năm chỉ đủ chi trả cho người lao động nghỉ hưu trong 10 năm. Với mô hình hưu trí của Việt Nam, để có thời gian hưởng lương hưu 20 năm thì thời gian người lao động đóng vào quỹ BHXH phải lên tới 40 năm. Việc hỗ trợ quá ít đi cùng thời gian đóng nhiều khiến cho BHXH tự nguyện vẫn vắng khách thời gian qua.

Quỹ BHXH ngày càng “căng thẳng “

Tình trạng không… đắt khách cũng tương tự với BHXH bắt buộc. Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Nguyễn Sỹ Đại cho biết, năm 2007, mức gia tăng diện bao phủ BHXH bắt buộc đạt tới 121%, nhưng đã giảm mạnh sau đó, chỉ dao động không quá 7% trong cả giai đoạn 2006 - 2016.

Thống kê tới tháng 10/2017, diện bao phủ BHXH mới đạt 14,6 triệu người, còn trên 34 triệu người chưa tham gia. Số đối tượng được hưởng hưu trí BHXH tính đến tháng 9/2017 mới đạt 2,25 triệu người, chiếm 20,1% số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Thực trạng này khiến quỹ BHXH ngày càng “căng thẳng”.

Để cân đối quỹ BHXH, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng đề xuất, người lao động hiện không thể làm gì khi doanh nghiệp nợ đọng, thậm chí không đóng BHXH.

Do vậy, cần cho phép người lao động đóng riêng, chủ sử dụng lao động đóng riêng. Thậm chí, nếu người lao động nợ tiền BHXH, công đoàn sẽ đảm nhận việc thu, còn chủ sử dụng lao động nợ thì các cơ quan khác có trách nhiệm thu hồi, tránh tình trạng như hiện nay.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đề nghị, Việt Nam nên xem xét phát triển cả hình thức hưu trí tư nhân song hành cùng hệ thống hưu trí BHXH của Nhà nước. Theo đó, Việt Nam nên tính tới một hình thức đầu tư đa tầng với nhiều hình thức đóng, nhiều mức đóng tương ứng với nhiều mức hưởng cho quỹ hưu trí thay vì hệ thống đơn tầng như hiện nay. Như vậy, để cân bằng quỹ BHXH giữa đóng và hưởng cần thiết phải có nhóm giải pháp được triển khai thực hiện đồng bộ.