Thực trạng và giải pháp quản lý nợ trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
(Tài chính) Làm thế nào để quản lý hiệu quả nợ trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, cũng như các cơ quan quản lý. Trên cơ sở khái quát thực trạng nợ cũng như công tác quản lý nợ, bài viết đề xuất một số giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nợ của của các tập đoàn, tổng công ty.
Thực trạng nợ tại các tập đoàn, tổng công ty
Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII cho thấy, tổng số nợ phải trả là 1.514.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Cụ thể, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2013, cả nước có 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, có 8 tập đoàn (TĐ) kinh tế, 100 tổng công ty (TCT) nhà nước, 25 công ty TNHH một thành viên mô hình mẹ - con, 309 công ty TNHH một thành viên độc lập công ích và 354 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Tổng tài sản của các DN theo báo cáo hợp nhất trong năm 2013 là 2.869.120 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của các DNNN đạt 181.530 tỷ đồng, tăng 15% so với 2012. Trong đó, khối TĐ đạt 137.648 tỷ đồng, tăng 14% và chiếm 76% tổng lợi nhuận trước thuế của DN cả nước. Khối TCT đạt 30.669 tỷ đồng, tăng 35%.
Báo cáo cũng cho thấy, các DNNN đang hoạt động chủ yếu bằng vốn vay. Cụ thể, tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT năm 2013 là 1.514.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,45 lần. Trong đó, 41 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Tăng nhiều nhất trong số nợ phải trả của DN là nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng (NHTM, TCTD) với 489.260 tỷ đồng, tăng 12,3%. Các DN nợ tương đối lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): 78.583 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV): 49.566 tỷ đồng… Các TĐ, TCT cũng đang nợ nước ngoài 325.936 tỷ đồng. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 125.061 tỷ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 122.543 tỷ đồng, còn lại là tự vay, tự trả.
Mặc dù tổng tài sản của khối DNNN là 2.639.916 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2012 song tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn/tổng tài sản chỉ ở mức 7,1%. Các TĐ, TCT lại có tổng nợ phải thu là 298.645 tỷ đồng, trong đó, nợ khó đòi là 10.329 tỷ đồng, tăng 15,8%. Một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu ở mức cao (trên 50%) như công ty mẹ của: TCT Xây dựng Công trình giao thông 8, nợ phải thu 1.054,489 tỷ đồng, bằng 73%; TCT Xây dựng Trường Sơn 1.123,542 tỷ đồng, bằng 64,7%; TCT Xây dựng Thăng Long 1.037,583 tỷ đồng, bằng 58,4%…
Đặc biệt, số nợ phải thu bị xếp vào diện khó đòi, nguy cơ mất vốn cũng ở mức cao với 10.329 tỷ đồng. Đứng đầu bảng về nguy cơ mất vốn vì những khoản nợ trên phải kể đến TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) với 2.856 tỷ đồng. Tiếp đến là các TCT: Cảng Hàng không Việt Nam (678 tỷ đồng), Lương thực miền Bắc (430 tỷ đồng), Hàng hải Việt Nam (417 tỷ đồng), Đường sắt Việt Nam (307 tỷ đồng)... Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao như: TCT Xây dựng công trình giao thông 8 có số nợ phải thu lên tới hơn 1.054 tỷ đồng, TCT Xây dựng Trường Sơn (nợ phải thu 1.123 tỷ đồng), TCT Vật tư nông nghiệp (nợ phải thu hơn 213 tỷ đồng).
Các TĐ có mức nợ khó đòi lớn khác phải kể đến như TĐ Điện lực Việt Nam (173 tỷ đồng), TĐ Hóa chất (143 tỷ đồng), TĐ Cao su Việt Nam (76 tỷ đồng), TĐ Dệt may Việt Nam (56 tỷ đồng)...
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2013 là 1,45 lần trong đó có 41 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, Công ty mẹ là 35 đơn vị. Trong đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các NHTM, TCTD của các TĐ, TCT là 489.260 tỷ đồng, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2012. Báo cáo hợp nhất nợ nước ngoài của các TĐ, TCT là 325.936 tỷ đồng trong đó vay lại vốn ODA của Chính phủ là 125.061 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 122.543 tỷ đồng, còn lại các TĐ, TCT tự vay tự trả. Cụ thể, các công ty mẹ nợ nước ngoài với tổng số tiền 194.496 tỷ đồng trong đó: Công ty mẹ - TĐ EVN là 114.577 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ TKV là 17.653 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Hàng không Việt Nam là 29.205 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ PVN là 17.147 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Cảng Hàng không Việt Nam là 8.522 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng nợ
Bên cạnh những nguyên nhân dẫn đến nợ nần lớn được nhắc nhiều trong thời gian qua là đầu tư dàn trải ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, còn có nguyên nhân được các TĐ, TCT đưa ra giải trình là phải gánh trên vai nhiệm vụ công ích, là công cụ kiểm soát giá của nhà nước.
Theo Kiểm toán Nhà nước, TCT Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải chịu trách nhiệm lớn về cung ứng xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa. Ở những nơi mà điều kiện giao thông khó khăn, vận chuyển giá cước cao như Điện Biên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Tây Nguyên, gần như Petrolimex cung ứng toàn bộ, từ 90-100% thị phần. Trong khi đó, những thành phố lớn, giao thông thuận tiện thì đơn vị này bị giảm sút thị phần do bị cạnh tranh với các DN khác. Chính vì thế, khi bị kiềm giá thì “đại gia” này càng bán nhiều, càng lỗ. Cũng như vậy, EVN chịu trách nhiệm lớn trong đầu tư điện. Trong khi kinh doanh hiện tại lỗ, không có vốn tích lũy nên EVN phụ thuộc chủ yếu vốn vay là tất yếu. Khi vốn vay lớn thì cũng đồng nghĩa, EVN có số nợ phải trả và nợ quá hạn lớn nhất, tới hơn 10.149 tỷ. Trong bức tranh lỗ, nợ của các TĐ, TCT còn có một lý do khách quan khác được kể đến là hậu quả do Vinashin để lại. Theo Chính phủ báo cáo, TĐ PVN nợ quá hạn tới 1.731 tỷ đồng mà nguyên nhân chính cũng là “dính nợ” của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, nhận bàn giao từ Vinashin.
Tuy nhiên, nợ vì yếu tố quản trị kém, người đứng đầu có nhiều sai phạm lại ít được nhắc tới. Cho đến nay, cơ quan chức năng mới “phanh phui” được lý do này ở 3 đơn vị là TĐ Vinashin, TĐ EVN và TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Các lãnh đạo Vinashin, Vinalines đã phải rơi vào vòng lao lý vì những sai phạm trong quản lý, gây thiệt hại lớn. Với EVN, sau vụ thua lỗ hơn 1.000 tỷ trong đầu tư ngành ngoài, lấn sân sang viễn thông, lãnh đạo EVN đã bị thôi chức vụ chủ tịch HĐQT.
Mặc dù hầu hết các TĐ, TCT đã rất nỗ lực trong quản lý các khoản nợ phải thu theo quy định, tuy nhiên, vẫn còn không ít đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn, nợ xấu cao; ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn; chưa phân loại nợ làm cơ sở trích lập dự phòng… cho các đơn vị cá nhân vay vốn trong khi đang phải đi vay vốn để sản xuất kinh doanh làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Số nợ phải thu của khách hàng và trả trước người bán chiếm tỷ trọng cao nhất trong các khoản phải thu. Một số TĐ không trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi trong khi các khoản phải thu chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản của TĐ. Các khoản phải trả lớn hơn rất nhiều so với các khoản phải thu. Nợ phải trả chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn của các TĐ. Đó là do quy mô sản xuất kinh doanh của các TĐ tăng lên nên các TĐ cũng tăng huy động vốn bằng cách sử dụng đòn bẩy kinh doanh. Mặt khác, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh lại giảm sút, do đó việc sử dụng nợ vay được coi là chưa có hiệu quả. Cơ cấu nguồn vốn của các TĐ, TCT chưa hợp lý. Hệ số nợ rất cao cho thấy mức độ tự chủ tài chính rất thấp. Trong nợ phải trả của các TĐ, TCT chủ yếu là nợ vay ngân hàng. Với lãi suất tiền vay rất cao. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn vay không hiệu quả đã gây áp lực thanh toán lãi vay và đòn bẩy tài chính có tác động nghịch làm giảm ROE hoặc EPS của TĐ, TCT.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát tài chính, đầu tư vốn nhà nước tại DN cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, chưa theo kịp yêu cầu quản lý nền kinh tế trong điều kiện mới. Cụ thể:
- Về xây dựng cơ chế chính sách: Mặc dù đã tạo lập được một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giám sát và đầu tư vốn nhà nước tại DN nhưng một số cơ chế, chính sách còn chưa bao quát được hết các loại hình hoạt động DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt là cơ chế tài chính cho các tập đoàn kinh tế; chế độ về quản lý rủi ro, báo cáo và công bố thông tin, đánh giá xếp loại DN; cơ chế tài chính cho các hoạt động mua bán sáp nhập DN, đầu tư ra nước ngoài, cổ phần hóa DN FDI, góp vốn bằng thương hiệu, thành lập DN BTO, BOT, BT, BOO; thanh lý phá sản dự án lớn thua lỗ vỡ nợ, xử lý về mặt tài chính đối với DN liên quan bán phá giá... Bên cạnh đó, cơ chế phân công, phân cấp trong thực hiện các quyền chủ sở hữu tại TĐ, TCT còn bị phân tán, chồng chéo, cắt khúc, trách nhiệm chưa rõ ràng nên dẫn đến buông lỏng quản lý, giám sát. Do đó, dẫn đến một số DN kinh doanh thua lỗ nhưng chậm được xử lý, gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
- Về tổ chức thực hiện giám sát: Công tác kiểm tra giám sát tài chính tại các TĐ, TCT chưa được thực hiện thường xuyên, nên những sai phạm trong việc đầu tư, quản lý tài chính tại các TĐ, TCT không được phát hiện kịp thời, khả năng phát sinh tổn thất lớn. Mặt khác, do thực hiện cơ chế “hậu kiểm” nên các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện việc kiểm tra quyết toán báo cáo tài chính như trước đây mà thay vào đó là cơ chế quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Tuy nhiên, do chưa có quy định và chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán độc lập cũng như chất lượng đội ngũ kiểm toán viên còn thấp, nên phản ánh còn chưa chính xác kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Thêm vào đó, công tác kiểm toán, thanh tra nhà nước còn mang tính kế hoạch hoặc khi có dấu hiệu sai phạm mới thực hiện nên tính phòng ngừa rủi ro chưa cao.
Thực tế, việc tổng hợp, phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các TĐ, TCT nhà nước trong những năm gần đây đã được Bộ Tài chính thực hiện (sau khi kết thúc năm tài chính) nhưng chưa đầy đủ. Nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm phối hợp của các cơ quan được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu cũng như việc chấp hành chế độ báo cáo của các TĐ, TCT chưa nghiêm túc và chưa kịp thời nên tác dụng cảnh báo và ngăn chặn còn hạn chế.
Giải pháp giảm nợ, quản lý hiệu quả nguồn vốn
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng công tác quản trị nợ trong các TĐ, TCT. Muốn vậy trước hết cần xây dựng quy chế quản lý nợ phải thu trong các TĐ, đảm bảo tuân thủ kỷ luật thanh toán. Hơn nữa cần tăng cường vai trò của công cụ kế toán trong quản lý công nợ. Ngoài ra cần trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu khó đòi.
Thứ hai, cần đảm bảo đủ công cụ và phương tiện cần thiết để DN có thể thực hiện được công tác quản trị nợ. Cần thiết phải đảm bảo lành mạnh hóa tình hình tài chính của DN. Trong xử lý nợ cần nỗ lực và quyết tâm.
Thứ ba, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những người quản lý DN không đủ năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước cần tạo tính đồng bộ và thống nhất về môi trường pháp lý cho việc xử lý nợ quá hạn trong DN. Hoàn thiện chế độ báo cáo tài chính của DN và chế tài xử phạt đối với DN không chấp hành chế độ báo cáo.
Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các TĐ, TCT; Đẩy mạnh cổ phần hóa và khuyến khích DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán trong và ngoài nước; Sắp xếp, cơ cấu lại tài sản, nợ của DNNN; Thực hiện thoái vốn ngoài ngành chính bằng các hình thức thị trường (chào bán, đấu thầu công khai…) và theo giá thị trường; Tăng cường kiểm soát, quản lý vốn và tài sản Nhà nước trong DN nhằm hạn chế thất thoát trong quá trình tái cơ cấu; Tái cấu trúc quản trị DN, xây dựng và ban hành nguyên tắc quản trị hiện đại, phát huy vai trò của hội đồng quản trị, ban kiểm soát trong kiểm tra tài chính, giám sát trách nhiệm chức vụ…
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước năm 2014;
2. Báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các DN bảo hiểm (Bộ Tài chính năm 2014);
3. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lý luận và phương pháp luận nghiên cứu về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Hội đồng khao học các cơ quan Đảng Trung Ương- 2010.