Thuế phòng vệ thương mại: Thận trọng để tránh gây bất ổn thị trường

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Chiều 25/3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp các ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đề nghị mở rộng đối tượng miễn thuế

Đánh giá chung, các đại biểu (ĐB) cho rằng việc ban hành Luật này với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo cơ sở pháp lý cao khi luật hóa những cam kết trong các hiệp định, đồng thời bảo đảm thực hiện được ngay các cam kết trong TPP sau khi hiệp định này được ký kết. Theo ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An), Dự án Luật được trình ra lần này đã bổ sung nhiều quy định giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm…

Đồng thời, để hoàn thiện dự thảo, ĐB Phan Văn Quý đề nghị chỉnh sửa quy định về việc hàng hóa được miễn thuế. Cụ thể, quy định miễn thuế nhập khẩu 5 năm cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thay vì cho ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như tại dự thảo. Theo ĐB, điều này sẽ phù hợp với pháp luật hiện hành về đầu tư cũng như tăng cường thu hút đầu tư và tạo thuận lợi hơn nữa cho DN.

Cũng đề nghị mở rộng đối tượng miễn thuế, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị bổ sung hàng hóa nhập khẩu làm hàng mẫu thí điểm sản xuất của doanh nghiệp. ĐB dẫn giải, tại Khoản 10, Điều 16 của Dự thảo Luật quy định miễn thuế đối với “Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại...”, trong đó có hàng mẫu. Tuy nhiên, với cách hiểu này thì hàng mẫu cho dù là để thí điểm sản xuất hay chỉ là mẫu để “xem” hoặc “bắt chước” vẫn bị áp thuế vì cũng nhằm mục đích thương mại. Thực tế là hàng mẫu do doanh nghiệp nhập khẩu về để nghiên cứu, tham chiếu có thể dẫn đến kết quả là có đơn hàng sản xuất, hoặc không thể sản xuất được theo mẫu đó.

Vì vậy, ĐB đề nghị quy định rõ trong khoản này việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu làm mẫu. “Nếu lo ngại rằng doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định miễn thuế này để tránh thuế thì trong Nghị định của Chính phủ sẽ quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn, cách thức giám sát,... để chống lợi dụng mà vẫn bảo vệ được số đông doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ĐB đề xuất.

Áp thuế tự vệ: Giá đang rẻ thành đắt

Một nội dung được sự quan tâm của nhiều đại biểu tại phiên họp là các loại thuế phòng vệ thương mại, gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ. Đây là các loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài.

Đồng tình với việc áp dụng các loại thuế này, tuy nhiên ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) lưu ý nếu việc áp dụng không được cân nhắc kỹ càng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước, cũng như tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập.

Lấy ngay ví dụ mới đây khi Bộ Công thương quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời với phôi thép là 23,3% và với thép dài là 14,2%. Ngay lập tức, thị trường thép đã có những xáo trộn lớn khiến như hiện tượng găm hàng, đẩy giá lên. Giá thép trên thị trường đã tăng 1 – 2 triệu đồng/tấn trong khi lượng thép trong nước thực ra đang dư thừa. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo, quyết định áp thuế tự vệ vô hình chung đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm biến động thị trường thép, khiến giá thành sản xuất, xây dựng tăng đáng kể.

“Trong khi công nghệ sản xuất thép của chúng ta chưa được bằng với thế giới, khiến giá thành thép trong nước đắt hơn giá thế giới, vậy có nên xây dựng hàng rào bảo vệ thép trong nước hay không? Khi áp dụng thuế phòng vệ, phải hết sức quan tâm bài toán vĩ mô, bảo vệ thị trường trong nước mà mục tiêu lớn nhất là bảo vệ người tiêu dùng”, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị.

Cũng liên quan đến thuế phòng vệ thương mại, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị làm rõ hơn các quy định, điều kiện khi áp dụng thuế phòng vệ thương mại. Theo ĐB, dự thảo luật cần quy định rõ ai là người có thẩm quyền xác định biên độ phá giá của hàng hoá nhập khẩu, gây thiệt hại ra sao, ai có quyền đánh giá và đưa ra phán quyết cuối cùng. Đồng thời, ĐB cũng có ý kiến rằng việc áp dụng các loại thuế phòng vệ có liên quan lớn đến công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, cân đối nguồn thu cho ngân sách, vì vậy nên giao cho Chính phủ quyết định.

Theo chương trình, Dự thảo Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào ngày 6/4/2016. Dự kiến, Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2016