Thuế Tài sản: Cần thiết, nhưng phải phù hợp và đúng đối tượng
Thuế tài sản là sắc thuế thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mở rộng và bao quát bổ sung thêm một số đối tượng là tài sản khác không phải là đất.
Mục tiêu của Thuế Tài sản là để thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách chính sách thuế đối với tài sản; Thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, việc xây dựng luật thuế này cũng nhằm đảm bảo mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu từ thuế tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế tài sản; Tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội; Kế thừa, luật hoá các quy định của pháp luật hiện hành về thuế liên quan đến sử dụng đất còn phù hợp...
Thuế tài sản mang tính chất điều tiết, là một loại thuế trực thu, đánh vào đối tượng trực tiếp sử dụng tài sản. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi gần như ngay lập tức nhận được sự phản ứng của các đối tượng được Luật thuế điều chỉnh, kể cả tích cực và tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu đáp ứng đầy đủ cơ sở về mặt khoa học cũng như dựa trên cơ sở thực tiễn, thì thuế tài sản sẽ thực sự phát huy hết vai trò của nó, vừa tạo nguồn thu lớn và tương đối bền vững cho ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo công bằng, điều tiết ổn định xã hội cũng như nhận được sự ủng hộ từ các đối tượng được Luật thuế điều chỉnh.
Theo kinh nghiệm quốc tế, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau.
Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2%/GDP.
Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Vì vậy, việc ban hành Luật thuế Tài sản trong giai đoạn hiện nay là không thể trì hoãn, thực sự cần thiết và có đầy đủ cơ sở. Tuy nhiên để sắc thuế thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đặt ra ban đầu, thì cần lưu ý một số nội dung như sau:
Thứ nhất, phải đúng đối tượng: Thuế Tài sản nhằm điều tiết việc sử dụng tài sản, đảm bảo công bằng xã hội. Đây là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào đối tượng sử dụng, nên nếu không đảm bảo đúng đối tượng, thì sẽ tạo ra khó khăn khi thực hiện và có thể dẫn đến triệt tiêu nguồn thu từ khoản thuế này mang lại.
Luật thuế Tài sản nên quy định rõ đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện; Phù hợp với thông lệ quốc tế; Phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phù hợp với quy định của Luật Đất đai về việc phân loại đất; Phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và nhà ở về việc phân loại nhà và công trình xây dựng trên đất; Tránh xáo trộn trong quản lý thuế, kế thừa được hệ thống cơ sở dữ liệu thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã có sẵn.
Đối tượng chịu thuế là những đối tượng có mức thu nhập như thế nào, liệu việc đóng thuế tài sản hàng năm, phát sinh thêm một khoản chi phí thì sẽ tác động đến đối tượng như thế nào, từ đó lựa chọn, phân tầng đối tượng hợp lý.
Thứ hai, căn cứ tính thuế phù hợp: Căn cứ tính thuế gồm giá tính thuế và thuế suất, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu và khả thi trong quá trình áp dụng; Phù hợp với quy định của Luật Đất đai về căn cứ tính thuế sử dụng đất; Đảm bảo tính vững chắc của căn cứ tính thuế; Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phải đảm bảo phù hợp với khả năng của đối tượng nộp thuế, nếu cao quá sẽ dẫn đến trốn thuế, gây khó khăn trong việc thu thuế và có thể sẽ triệt tiêu nguồn thu từ thuế này. Muốn như vậy, số thuế phải nộp phải tương ứng với nguồn thu nhập mà đối tượng chịu thuế có được, mức đóng góp cũng không quá ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt thường ngày của họ.
Như vậy, việc ban hành thuế tài sản trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và không thể trì hoãn, tuy nhiên muốn sắc thuế thực sự đi vào thực tiễn và phát huy hết vai trò của nó cũng như nhận được sự đồng thuận từ phía đối tượng chịu thuế, thì Luật thuế Tài sản chắc chắn phải phù hợp và đúng đối tượng.