Thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu: Tái xuất hay tiêu hủy?
Thuốc lá lậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và trở nên đặc biệt nguy hiểm: Những kẻ buôn lậu tấn công cướp lại hàng lậu làm một cán bộ quản lý thị trường thiệt mạng, xe ô tô chở đầy thuốc lá lậu về TP. Hồ Chí Minh đâm chết người và nhấn ga bỏ chạy, trên truyền hình hình ảnh các xuồng, ghe vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu đang hàng ngày, hàng giờ len lỏi trên những dòng kênh, con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long….
Tái xuất đi đâu?
Trước đây không lâu, việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đã từng được thực hiện theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 21/8/2012. Sau hai năm thực hiện thí điểm cho thấy phương án này có nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện.
Đó là Thuốc lá lậu tại Việt Nam chủ yếu là JET, HERO (hiện chiếm trên 80%). Hai nhãn này trên thực tế chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam và chỉ được người hút Việt nam biết đến; Các nhãn thuốc lá lậu bị bắt giữ đều không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng nên không đủ tiêu chuẩn, không phù hợp với quy định của bất cứ quốc gia nào để nhập khẩu.
Các nước trong khu vực và trên thế giới đều có quy định về ghi nhãn và diện tích in cảnh báo sức khỏe đối với các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ nội địa. Ví dụ: Campuchia cảnh báo chiếm 30% mặt trước và sau, Indonessia là 40%, Lào 30%, Malaysia 50% mặt trước và 60% mặt sau, Philippnes và Singapore 50% mặt trước và sau, các nước Úc, châu Âu thậm chí còn quy định bao bì trơn...
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tái thẩm lậu thuốc lá đã được đưa đi tái xuất trở lại thị trường trong nước. Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm thuốc lá tái xuất đều không được tái xuất sang các nước có ghi trong hợp đồng.
Tại nhiều địa phương do không có kho bảo quản nên sản phẩm dễ hư hỏng, các đơn vị thu gom không tiến hành thu mua hoặc mua số lượng rất ít so với số bắt được. Việc thu gom vận chuyển tập kết tại kho chờ tái xuất cũng không có cơ quan quản lý, giám sát chặt chẽ nên dễ xảy ra vi phạm.
Như vậy việc tái xuất vừa không đạt hiệu quả kinh tế vừa không đạt được mục tiêu của việc tái xuất.
Căn cứ pháp lý
Về mặt pháp lý, Việt nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO FCTC). Hiện trên thế giới không có bất kỳ quốc gia nào là thành viên của FCTC lại cho phép tái xuất thuốc lá lậu, đơn giản vì hành vi đó bị cấm và vi phạm cam kết thực hiện FCTC.
Khoản 4c Điều 15 của FCTC quy định rõ các quốc gia thành viên phải “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy” .
Theo Điều 6.1 Luật Điều ước Quốc tế 2016 thì “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cũng quy định tương tự và yêu cầu bổ sung về nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là “không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”
Trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, đã bắt giữ được 15.064 vụ, tịch thu 10.754.247 bao, tiêu hủy 10.147.156 bao. 32 tỉnh, thành phố đã tham gia vào công tác tiêu hủy.
Hiệp hội Thuốc lá Việt nam đã huy động trên 33 tỉ đồng theo Thông tư 19/2015/TT-BTC và đã chuyển cho các lực lượng trực tiếp bắt giữ và Ban Chỉ đạo 389 địa phương. Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu đã phát huy tác dụng làm giảm thuốc lá nhập lậu 30% so với năm 2014. Nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỉ đồng (6,2%).
Bởi vậy đa số các tỉnh trọng điểm về buôn lậu thuốc lá đều ủng hộ việc tiếp tục thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.