Thương chiến Mỹ-Trung: Cơ hội cho Việt Nam đang lộ diện

Theo Văn Cường/saigondautu.com.vn

Hãng tin Bloomberg ngày 28-5 dẫn số liệu từ Cục Thống kê Mỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong quý I-2019 tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ giảm 13,9% vì căng thẳng thương mại leo thang. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018.

Việt Nam có thể trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 của Mỹ, bỏ xa Italia, Pháp, Anh và Ấn Độ. Ảnh: Viết Chung
Việt Nam có thể trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 của Mỹ, bỏ xa Italia, Pháp, Anh và Ấn Độ. Ảnh: Viết Chung

Theo phân tích của Bloomberg, nếu hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ vẫn giữ vững đà tăng trưởng này trong cả năm 2019, Việt Nam có thể trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 của Mỹ, bỏ xa Italia, Pháp, Anh và Ấn Độ.

Lợi thế đã nhìn thấy

Theo Cục thống kê Mỹ, Việt Nam xếp thứ 13 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của nước này tính đến quý I/2019. Trong cùng kỳ năm trước, Việt Nam xếp thứ 17. Những mặt hàng đáng chú ý Mỹ nhập từ Việt Nam trong quý đầu năm là điện thoại di động và thiết bị liên quan.

Mặt hàng này tăng trưởng mạnh mẽ 181,16% so với năm ngoái, lên 4,63 tỷ USD. Xếp thứ hai về kim ngạch xuất khẩu là các sản phẩm nội thất, với mức tăng 18,65%, đạt 983,93 triệu USD. Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 về kim ngạch là các mặt hàng giày thể thao và các loại giày vải (tăng 7,21%, đạt 780,99 triệu USD) và các loại áo len, áo khoác (tăng 14,84%, đạt 535,95 triệu USD).

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thời kỳ phải mua hàng hóa của Trung Quốc sẽ không còn nữa, và nếu không muốn trả thuế Mỹ có thể mua hàng hóa từ một nước không bị áp thuế như Việt Nam và nhiều nước khác.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không có dấu hiệu giảm bớt, Việt Nam đã dần đẩy mạnh sản xuất, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tăng xuất khẩu sang Mỹ. Sự gia tăng của quý I năm nay nối tiếp đà tăng 26% của xuất khẩu sang Mỹ trong năm đầu tiên.

Trong năm 2018, xuất khẩu Việt Nam có một số trở ngại như thuế của Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm thép Việt Nam. Song những mức thuế đó nhằm ngăn chặn các sản phẩm thép có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam sau đó đã ban hành các quy định mới liên quan đến nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Không chỉ lợi thế về hàng hóa, xuất khẩu, Việt Nam còn được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đầu tư. Hiện nay, một số công ty, đặc biệt là các công ty sản xuất đồ nội thất, tủ lạnh và lốp xe hơi đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Mexico do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.

Gần đây nhất, Cooper Tyre và Rubber Co có trụ sở tại Ohio, đã thành lập một liên doanh với Công ty TNHH Sailun Vietnam để xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe gần TPHCM, trong khi một công ty khác của Mỹ là Key Tronic Corporations đã ký thỏa thuận thuê một cơ sở sản xuất gần Đà Nẵng.

Zhejiang Hailide New Material, chuyên sản xuất sợi công nghiệp ở Chiết Giang, nói với các nhà đầu tư vào năm ngoái họ thành lập một nhà máy tại Việt Nam để tránh tăng thuế. Hl Corp, công ty sản xuất phụ tùng xe đạp, cũng cho biết chuyển sản xuất sang Việt Nam với hy vọng tránh thuế. Và GoerTek, nhà sản xuất AirPods của Apple, cũng có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Thuận lợi là có cơ sở

Tuy nhiên, khó khăn của nhiều nhà đầu tư khi chuyển sang Việt Nam là thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất so với Trung Quốc, cũng như chất lượng của các nguồn nguyên liệu. Hiện tại, mạng lưới cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng của Việt Nam mới ở mức của Trung Quốc cách nay từ vài năm.

Đây là điều mà chính phủ cần phải cải thiện. Phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên số một của Chính phủ Việt Nam, khi bỏ ra một khoản đáng kể để mở rộng đường sá, bất động sản, cảng, cầu và hàng không.

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Quảng Châu cho thấy, các công ty Trung Quốc đang mất thị phần cho các công ty ở châu Á, trong đó đặc biệt là Việt Nam.

Một lợi thế của Việt Nam là tiền lương khá thấp. Tiền lương ở Trung Quốc đã tăng 60% kể từ năm 2011, điều này gây áp lực lên lợi nhuận, đặc biệt đối với các ngành thâm dụng lao động. Tuy nhiên, mức lương của Việt Nam có xu hướng thấp ở mức 120-170USD/tháng tùy theo khu vực, so với 315USD ở Quảng Đông và 350USD tại Thượng Hải.

Ngoài tiền lương rẻ, Việt Nam được đánh giá có hệ thống chính trị ổn định. Năm 2018, Việt Nam đã đánh bại Singapore với tư cách là thị trường hàng đầu Đông Nam Á về bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất giày Nike hàng đầu. Trong báo cáo Mức độ dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 69, tốt hơn so với Trung Quốc ở hạng 78. Trung Quốc thường điều tiết đầu tư hạn chế gấp 3 lần so với Việt Nam trong 9 lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất.

Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), cho phép nhiều dòng vốn FDI chảy vào với cơ cấu thuế quan thấp hơn.

Thêm vào đó, Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc và có vị trí thuận lợi với các nước khác trong khu vực ASEAN, cho phép các nhà sản xuất bán và di chuyển thiết bị nhanh hơn qua biên giới. Điều này không chỉ giúp các công ty bán và di chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, nhưng cũng giúp tạo thuận lợi cho thương mại với các nước láng giềng ASEAN.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tăng trưởng GDP cao trong những năm qua. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn khả quan, nhờ nền kinh tế có động lực từ chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm gần 70% GDP. Với dân số lớn thứ ba trong ASEAN, và những người có thu nhập trung bình và cao đang gia tăng nhanh chóng, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa. Năm ngoái, GDP Việt Nam đạt 6,79%, và năm nay ước đạt 7%, cao nhất Đông Nam Á, theo Oxford Economic.

Tiếp tục cải thiện môi trường để đón sóng đầu tư

Hiện tại Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Quản trị doanh nghiệp cũng sẽ cần phải được cải thiện để ngang bằng với các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cung cấp một môi trường kinh doanh ổn định, đặc biệt cho các bên muốn giao dịch trong ASEAN nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Thị trường Việt Nam cũng phù hợp cho các nhà đầu tư muốn sử dụng môi trường kinh doanh thuận lợi để bán sản phẩm của họ cho Mỹ và EU. 

9 tháng sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, và với mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai nước, các công ty nước ngoài đã nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để chuyển hoạt động từ Trung Quốc đi nơi khác. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp làm việc với các nhà cung cấp để tìm các quốc gia thay thế như Việt Nam để không bị áp thêm thuế quan. 

Việt Nam rõ ràng được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại và đang nổi lên như một sự thay thế hàng đầu cho các công ty, nhưng chính phủ vẫn cần nhiều nỗ lực để giữ cho Việt Nam cạnh tranh, trong khi tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Với một loạt các công ty chuyển hoạt động sang Việt Nam, chi phí cho đất đai, thuế, tiền lương và dây chuyền sản xuất tự động cũng tăng đều đặn. Các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam phải làm việc với các chuyên gia trong nước để đảm bảo doanh nghiệp của họ có thể gặt hái được lợi tức đầu tư.