Thương hiệu doanh nghiệp, tài sản quốc gia
Làm thế nào để Việt Nam có nhiều thương hiệu mạnh là mối quan tâm thường trực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ khi nhậm chức.
Bên cạnh những nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ khởi nghiệp, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo và gợi mở nhiều giải pháp giúp phát triển thương hiệu doanh nghiệp, định vị lại thương hiệu quốc gia.
Những doanh nghiệp tỷ USD
Vào tháng 7/2017, Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam, với tổng giá trị thương hiệu hơn 5,4 tỷ USD, tăng 20% so với danh sách công bố năm 2016. Trong danh sách mà Forbes Việt Nam bình chọn, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đứng đầu với giá trị thương hiệu tương đương hơn 1,7 tỷ USD. Sau Vinamilk là Viettel và Vingroup, với giá trị lần lượt là 849,6 triệu USD và 299,3 triệu USD. Giá trị thấp nhất trong danh sách là Lộc Trời, với giá trị 13,1 triệu USD.
Vượt ra khỏi cuộc bình chọn nội địa, tháng 6/2017, tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản Nikkei Asian Review công bố danh sách 100 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có giá trị nhất châu Á. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Vinamilk là 2 đại diện của Việt Nam lọt vào danh sách này. Trong đó, Vinamilk gây ấn tượng đặc biệt khi xuất sắc lọt vào TOP 10 của bảng xếp hạng. Với PV GAS, Nikkei đánh giá cao tầm nhìn chiến lược và việc triển khai chiến lược, trở thành doanh nghiệp hàng đầu, hoạt động hiệu quả trong tất cả các khâu thu gom, xuất nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, chế biến sâu, tích trữ, dịch vụ, kinh doanh khí và sản phẩm khí.
“Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á”, một nghiên cứu toàn diện về nhận thức thương hiệu dưới góc độ người tiêu dùng được nghiên cứu độc quyền từ Nielsen (một công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu, trụ sở đặt tại New York, Hoa Kỳ) công bố vào quý II/2017 đã chỉ ra 11 thương hiệu Việt góp mặt trong danh sách Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á. Đó là: Vietjet Air (đứng thứ 595), Viettel (596), Petrolimex (616), Vinamilk (621), Hảo Hảo (636), Chinsu (668), Trung Nguyên (693), Vietnam Airlines (716), Mobifone (736), Vietcombank (811) và P/S (905).
Khảo sát của Báo Đấu thầu trên thị trường chứng khoán cho thấy, những thương hiệu hàng đầu Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ hơn 232,7 triệu cổ phần tương ứng 16,04% vốn điều lệ của Vinamilk. Với Vingroup, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 269 triệu cổ phần, tương ứng 10,21% vốn điều lệ của tập đoàn này. Một “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ là FPT cũng được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích khi sở hữu tới 49% vốn điều lệ, tương ứng với hơn 225 triệu cổ phần. Trong lĩnh vực hàng không, cổ đông ngoại đang nắm giữ hơn 73 triệu cổ phần Vietjet Air, tương ứng 24,39% vốn điều lệ.
Còn nhiều thương hiệu quy mô khác hiện diện tại các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế như: nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo. Các doanh nghiệp này đã đóng góp đáng kể cho GDP, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định xã hội.
Linh hồn của thương hiệu là văn hóa doanh nghiệp
Nhìn lại quá trình điều hành nền kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có thể thấy ông liên tục chỉ đạo các giải pháp tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp - môi trường hình thành, phát triển thương hiệu.
Ở góc độ kiến tạo, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhìn từ phía doanh nghiệp, để gây dựng và phát triển thương hiệu bền vững, Thủ tướng có những chỉ đạo và gợi mở đắt giá. “Người ta thường nói để cạnh tranh thành công trên thương trường thì sự khác biệt là rất quan trọng. Hai doanh nghiệp có thể cùng sản xuất ra một loại sản phẩm, có công nghệ giống hệt nhau nhưng khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm từ doanh nghiệp này mà không mua của doanh nghiệp kia. Bởi lẽ họ tin vào cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, tính cam kết và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp kia. Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá, Việt Nam ngày nay cũng có những thương hiệu được xây dựng dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững, có thể kể ra một vài cái tên như FPT, TH Truemilk, Vinamilk, Viettel, VNPT, Coteccons, Công ty Ô tô Trường Hải, Vietnam Airlines, Vietjet Air… Nhờ việc đề cao những nguyên tắc và giá trị tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại mà chúng ta đã có những sản phẩm hiện diện ở những thị trường khó tính, được khách hàng trên khắp thế giới đón nhận.
Nếu như doanh nghiệp Mỹ có đặc trưng của tính tự do, phóng khoáng, có thiên hướng thực dụng; doanh nghiệp Nhật có tính kỷ luật, sự tận tụy và tinh thần hợp tác; doanh nghiệp Hàn Quốc có đặc trưng là trung thành, trách nhiệm..., vậy nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì?
“Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của riêng mình. Nhưng tôi cho rằng các nguyên tắc cơ bản hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp. Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là “liêm chính”, “sáng tạo”, “chuyên nghiệp”, “tận tụy” hay “trách nhiệm môi trường”… Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”, Thủ tướng khẳng định.