Thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ

PV.

Doanh thu bán hàng qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong năm 2015 đạt 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm 2014, và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.Thương mại điện tử được đánh giá là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước nhất hiện nay ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thương mại điện tử - Mảnh đất nhiều tiềm năng

Theo một báo cáo gần đây, tỷ lệ người Việt mua sắm trực tuyến đang có mức tăng cao thứ 2 so với Đông Nam Á. Với những lợi thế về mua sắm tiện lợi, giao hàng tận nơi và thanh toán tiện lợi, nhiều khách hàng dễ dàng tiếp cận thương mại điện tử với mọi thiết bị công nghệ.

Báo cáo Thương mại điện tử 2015 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, các sản phẩm máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng, thời trang và phụ kiện là nhóm mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử với đồng tỷ lệ là 23%; nhóm dịch vụ bất động sản chiếm 12%; thực phẩm và đồ uống 10%, dịch vụ lưu trú và du lịch 8%.

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin về tình hình sử dụng các thiết bị di động để mua sắm qua mạng (gần 500 người tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) cho kết quả 88% số người tìm kiếm thông tin về hàng hóa, dịch vụ trước khi ra quyết định mua hàng qua các thiết bị di động. Trong đó, 45% số người cho biết có sử dụng các thiết bị di động ít nhất 1 lần/ngày để tìm kiếm thông tin mua hàng, 24% sử dụng ít nhất 1 lần/tuần.

Có 40% người dùng cho biết giá trị đơn hàng mua qua thiết bị di động thường dưới 100.000 đồng. 36% thường mua đơn hàng có giá trị từ 100.000 - 500.000 đồng, 24% người tiêu dùng chi trên 500.000 đồng cho các đơn đặt hàng qua thiết bị di động.

Năm 2015, top 10 sàn thương mại điện tử tham gia khảo sát có tổng doanh thu cao nhất từ hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như thu phí gian hàng, thu phí thành viên, quảng cáo, phí dựa trên phần trăm đơn hàng bao gồm: lazada.vn, chodientu.vn, hotdeal.vn, vatgia.com, enbac.com. rongbay.com. sendo.vn, cungmua.com, deca.vn, adayroi.com...

Cơ hội nào cho các doanh nghiệp trong nước

Vậy cơ hội nào cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia mạnh hơn vào thị trường TMĐT? Với các vấn đề nguồn vốn, công nghệ, quản trị… còn hạn chế, nhiều đơn vị trong nước đã xác định cần liên kết với nhà đầu tư nước ngoài. Với tốc độ tăng trưởng nóng như vậy, từ nay cho tới năm 2020, đây vẫn sẽ là thị trường màu mỡ cho các DN muốn đầu tư vào kênh mua sắm trực tuyến. Năm 2015, mua sắm qua kênh TMĐT mới chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo Dự báo năm 2020, con số này dự kiến cũng chỉ nâng lên mức khoảng 5-10%.

Có thể nói DN vẫn còn nhiều cơ hội để tận dụng kênh bán hàng tiềm năng này. Tuy nhiên, có vẻ các DN nước ngoài đang khai thác lợi thế của kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả hơn DN Việt Nam. Điều này thể hiện ở động thái rót vốn mạnh tay vào kênh TMĐT của các DN nước ngoài trong thời gian qua, trong khi DN nội vẫn rất chậm chân.

Kế hoạch mà Alibaba vạch ra là chi liền tay 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành của Lazada và mua tiếp khoảng 500 triệu USD cổ phần của một số cổ đông Lazada trong 8 tháng tới. Lazada không chỉ là một trong những sàn TMĐT lớn nhất mà còn là nền tảng tiếp thị liên kết cực lớn với hơn 6.000 gian hàng và 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau.

Trong khi kênh TMĐT đã có ở Việt Nam được hơn 10 năm, phát triển với tốc độ chậm chạp, thì chỉ sau 3 năm đổ bộ, Lazada đã vượt qua hơn 200 sàn TMĐT khác trong nước để đứng đầu về doanh thu. Các bước đi nhanh chóng này chứng tỏ Alibaba đã nhìn thấy được tiềm năng của thị trường này tại Việt Nam. Tiếp nối là các trang như Sendo, Zalora, Tiki…

Theo đó ngoài nguồn vốn, nhà đầu tư ngoại còn cung cấp công nghệ quản lý, hỗ trợ tư vấn về chiến lược phát triển, quản trị nội bộ... Đây thực sự là những vấn đề DN trong nước cần khẩn trương hoàn thiện. Nhiều DN cho rằng nếu không kêu gọi được vốn ngoại đầu tư thì các DN trong nước sẽ khó phát triển trong lĩnh vực TMĐT.

Hiện nay, khoảng 75% thị phần TMĐT đang tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong khi 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Các chuyên gia tính toán, trong vòng 3 – 5 năm tới, các thị trường bên ngoài 2 thành phố lớn này cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển TMĐT nếu DN trong nước biết cách khai phá. Với những tính toán đó, doanh số từ TMĐT mang lại cho các DN bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần. Và trong tương lai dài hạn, thị trường này có thể lên tới mức doanh số hàng trăm tỷ USD. DN trong nước, do đó vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Cần tạo bước chuyển thực sự đối với thương mại điện tử ở Việt Nam

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới, nhằm góp phần hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia, phù hợp với xu thế quốc tế và khu vực, tạo bước chuyển thực sự trong thanh toán điện tử, cần thiết quan tâm tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất,để phát triển thương mại điện tử và thanh toán điện tử cần có những giải pháp đồng bộ. Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi hoạt động thanh toán điện tử như hoàn thuế, khấu trừ thuế cho các giao dịch thanh toán điện tử để thúc đẩy thanh toán qua thẻ, khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp, các hộ và các cá nhân kinh doanh bán lẻ trong triển khai thanh toán điện tử.

Thứ hai,các bộ, ngành cần sớm tăng cường việc trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ… Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nhất của thế giới vào thanh toán điện tử, thay đổi cách thức hoạt động… giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm lớn về thời gian, chi phí, nguồn lực cũng như nâng cao hiệu quả chung của kinh tế - xã hội.

Thứ ba,giảm tối đa chi phí cho nhà bán lẻ để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách hàng thanh toán qua POS trong giai đoạn trước mắt, tránh tâm lý e ngại phải trả thêm phí trên doanh số thanh toán cho ngân hàng, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay.

Thứ tư,đẩy mạnh áp dụng thanh toán điện tử trong hệ thống bán lẻ truyền thống và thị trường bán lẻ nông thôn…