Thương mại điện tử – Những công nghệ phải có ở thời 4.0

Theo Minh Huy/sgtiepthi.vn

Các doanh nghiệp TMĐT châu Á cũng đang trong cuộc chạy đua đầu tư công nghệ để phát triển kinh doanh và tránh không bị tụt hậu ở thời công nghiệp 4.0. Giọng nói được xem là giao diện ưa thích đối với người mua sắm mới, một phần vì tính dễ sử dụng và không đòi hỏi phải biết chữ.

Giám đốc Công nghệ của Alibaba, Jeff Zhang, giới thiệu chip AI có tên Hanguang 800.
Giám đốc Công nghệ của Alibaba, Jeff Zhang, giới thiệu chip AI có tên Hanguang 800.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đang thúc đẩy các công ty công nghệ thương mại điện tử ở châu Á đẩy mạnh đầu tư vào những công nghệ được xem là sẽ giúp họ chiếm ưu thế trong cuộc đua thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ.

Hagglebot của Flipkart cho phép khách hàng sử dụng giọng nói để mặc cả, từ đó có thể mua được sản phẩm giá hời trong sự kiện mua sắm Big Billion Day.
Hagglebot của Flipkart cho phép khách hàng sử dụng giọng nói để mặc cả, từ đó có thể mua được sản phẩm giá hời trong sự kiện mua sắm Big Billion Day.

Tối ưu hóa sự trải nghiệm

Phân tích và khai thác dữ liệu hiện được xem là một trong những công nghệ đáng chú ý nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhờ nó mà nhà bán lẻ trực tuyến có khả năng theo dõi, thu thập, giám sát và quản lý thông tin… theo thời gian thực. Thông qua các kênh trực tuyến, các doanh nghiệp có thể truy cập dữ liệu khách hàng thông qua nội dung các cuộc trò chuyện, phương tiện truyền thông xã hội và trang web của riêng họ. Thông tin này có thể được sử dụng cho việc lên các chiến lược kinh doanh trực tuyến. Theo thống kê, 73% số thương hiệu trên thế giới có kế hoạch phân bổ ngân sách thương mại điện tử cho các dịch vụ dữ liệu và phân tích trong năm nay.

Tính năng tìm kiếm hình ảnh được AI hỗ trợ của Lazada, cho phép người mua hàng chụp ảnh một mặt hàng và nền tảng sẽ đề xuất các sản phẩm tương tự có sẵn.
Tính năng tìm kiếm hình ảnh được AI hỗ trợ của Lazada, cho phép người mua hàng chụp ảnh một mặt hàng và nền tảng sẽ đề xuất các sản phẩm tương tự có sẵn.

Trên thực tế, ngay cả khi trong doanh nghiệp có sự nhất trí chung về tầm quan trọng của dữ liệu, không phải thương hiệu nào cũng biết cách khai thác dữ liệu để mang lại lợi thế cho mình. Thu thập dữ liệu không phải chuyện khó nhưng làm sao sở hữu và tối ưu hóa khả năng phân tích để sử dụng nó lại là chuyện hoàn toàn khác.

Một cuộc khảo sát mới của công ty nghiên cứu thị trường thương mại điện tử ecommerceIQ (Thái Lan) xác định phân tích dữ liệu là một trong những kỹ năng khó tìm thấy nhất trong số các tài năng số ở Đông Nam Á. Các thương hiệu liên tục tìm kiếm các công cụ tổng hợp dữ liệu để hợp nhất thông tin vào một nơi nhằm tiện khai thác phục vụ các mục tiêu, như cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ.

Ông Reagan Chai, Trưởng bộ phận Phát triển Kinh doanh và Trí tuệ kinh doanh khu vực tại công ty Shopee (Singapore), cho rằng việc thu thập dữ liệu cho phép công ty tối ưu hóa trải nghiệm mua và bán trong lúc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và dự đoán về những tiềm năng trong tương lai.

Tại Trung Quốc, các tên tuổi thương mại điện tử Alibaba và JD.com còn đi xa hơn bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập trên mạng để cải thiện khâu quản lý hàng tồn kho và trải nghiệm tại các cửa hàng truyền thống của mình.

Ông Chris Tung, Giám đốc tiếp thị của Alibaba, cho biết công ty muốn giúp các thương hiệu tìm được người tiêu dùng phù hợp bằng cách theo dõi họ trên toàn hệ thống của Alibaba. “Chúng tôi tìm thấy tất cả dữ liệu liên quan đến người tiêu dùng, hành vi của họ, những gì họ thích, những gì họ mua và ràng buộc dữ liệu trực tuyến này với người thật”, ông Chris đúc kết. Nhận thấy những nhu cầu nói trên, nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử aCommerce (Thái Lan) vào năm ngoái trình làng nền tảng phân tích dữ liệu BrandIQ, giúp các thương hiệu tập trung dữ liệu khách hàng và cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ tùy chỉnh cho từng nhóm khách hàng mục tiêu.

AI và giọng nói

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một trong những công nghệ được các công ty thương mại điện tử ở châu Á khai thác để cá nhân hóa hơn nữa sự trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Đáng chú ý, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đang đi đầu trong việc đầu tư và ứng dụng AI tại khu vực.

Tập đoàn Alibaba gần đây trình làng chip AI “cây nhà lá vườn” đầu tiên, gọi là Hanguang 800. Chip mới này đang được sử dụng để cải thiệu hiệu suất và sức mạnh của những tính năng trên các trang thương mại điện tử của công ty, như tìm kiếm sản phẩm, tự động dịch thuật, gợi ý được cá nhân hóa, dịch vụ khách hàng… Không có gì lạ khi đây là những lĩnh vực được ưu tiên cao trong các hoạt động bán lẻ trực tuyến của Alibaba.

Trong khi đó, một số tên tuổi thương mại điện tử khác bắt đầu quan tâm đến công nghệ giọng nói để tăng cường sức hút và khả năng cạnh tranh. Công ty Flipkart (Ấn Độ) vào tháng 8-2018 đã chi 40 triệu đô la để thâu tóm Liv.AI, một công ty nhận biết giọng nói địa phương trong nỗ lực thu hút làn sóng người lướt web và mua sắm trực tuyến tiếp theo.

Sức hút đặc biệt của Liv.AI là phần mềm này có thể chuyển đổi giọng nói thành văn bản ở chín ngôn ngữ địa phương – một tính năng đặc biệt hữu ích đối với nỗ lực thu hút khoảng 200 triệu người mua sắm trực tuyến tiếp theo tại Ấn Độ. Ông Kalyan Krishnamurthy, Giám đốc điều hành Flipkart, tin rằng giọng nói là giao diện ưa thích đối với người mua sắm mới, một phần vì tính dễ sử dụng và không đòi hỏi phải biết chữ.

Flipkart vào năm ngoái đã cùng với Google Zoo bắt tay phát triển chương trình tán gẫu tự động Hagglebot, sử dụng công nghệ giọng nói của trợ lý ảo Google Assistant. Hagglebot cho phép khách hàng sử dụng giọng nói để mặc cả, từ đó có thể mua được sản phẩm giá hời trong sự kiện mua sắm Big Billion Day. Trải nghiệm này khiến không ít khách hàng ưa thích qua đó giúp thương hiệu Flipkart được nhớ đến nhiều hơn.