Thương mại EU-Mỹ sang trang mới?
Sau khi ứng cử viên Joe Biden được giới truyền thông Mỹ xướng tên là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 vừa qua, nhiều lãnh đạo EU đã rất hào hứng bởi trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, EU và Mỹ đã nhiều lúc không có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Liệu chính sách thuế quan giữa EU và Mỹ sẽ êm đềm nếu ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ?
Bằng mặt nhưng không hẳn bằng lòng
Nhìn từ bên ngoài, đa số các nước thành viên EU và Mỹ là những đồng minh gần gũi từ sự ra đời của NATO năm 1949 và sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989. Nhưng từ bên trong, nhu cầu liên kết lại của các nước EU là hình thành một siêu quốc gia, tạo đối trọng và cạnh tranh với cường quốc khác, trong đó có Mỹ.
Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) được thành lập năm 1958 với 6 thành viên đầu tiên là Bỉ, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Pháp và Italia, chính là tiền thân của EU ngày nay. Mục đích ban đầu là sự hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, tiến đến một khu vực tự do chung, không còn biên giới giữa các nước thành viên và đồng tiền chung. Kể từ ngày 31-1-2020, Anh rút khỏi EU với sự kiện Brexit, nên EU hiện nay chỉ còn 27 nước thành viên và 19 nước sử dụng đồng tiền chung euro.
Là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, GDP của EU 15.593 tỷ USD và Mỹ 21.374 tỷ USD, 2 bên cũng là đối tác thương mại và đầu tư rất quan trọng của nhau. Theo số liệu thống kê, trao đổi thương mại giữa EU-Mỹ năm 2018 gần 1.000 tỷ USD, tổng vốn đầu tư FDI giữa 2 phía khoảng 4.500 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với Mỹ-Trung Quốc. Thêm vào đó, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của EU, chiếm đến 14% tổng giá trị xuất khẩu. Nhưng vấn đề xuất phát từ sự chênh lệch cán cân thương mại giữa 2 ông lớn này.
Năm 2019, EU xuất khẩu sang Mỹ hơn 452 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ hơn 273 tỷ USD. Như vậy tính ra Mỹ nhập siêu từ EU khoảng 180 tỷ USD, lên đến 65% giá trị xuất khẩu của Mỹ sang EU. Với mức thâm hụt thương mại như vậy, đây có lẽ là lý do chính mà với chính sách kéo việc làm về lại Mỹ ủng hộ doanh nghiệp trong nước, chính quyền Tổng thống Trump đã đẩy sự căng thẳng trong quan hệ của EU-Mỹ thông qua việc tăng thuế một số hàng nhập khẩu từ EU.
Nhưng cũng không phải đến nhiệm kỳ của ông Trump, EU và Mỹ mới có căng thẳng về thương mại. Sự cạnh tranh giữa 2 hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus, với sự hậu thuẫn tương ứng là Mỹ và EU đã nảy sinh từ rất lâu. Câu chuyện khởi đầu từ năm 2004 khi Mỹ cáo buộc EU trợ giá bất hợp pháp cho Airbus 22 tỷ USD, và EU đã phản công lại với cáo buộc Mỹ cũng làm tương tự với Boeing số tiền 23 tỷ USD. Đến năm 2006, Mỹ chính thức nộp đơn kiện lên WTO, cho rằng việc trợ giá bất hợp pháp của EU đã giúp Airbus sinh lợi hơn 200 tỷ USD.
Cho đến khi WTO bật đèn xanh cho chính quyền Trump áp thuế trừng phạt lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ EU trị giá 7,5 tỷ USD vì công nhận EU vi phạm việc trợ giá cho Airbus, Mỹ đã mạnh tay đối với các mặt hàng như rượu, phô-mai, máy bay và một số hàng nông nghiệp của EU. Nhưng đổi lại, WTO cũng bật đèn xanh cho EU, công nhận Mỹ trợ giá bất hợp pháp cho Boeing và EU có thể áp thuế trừng phạt lên 4 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Việc này EU đã bắt đầu từ ngày 10-11 vừa qua.
Trong nhiệm kỳ của ông Trump, mối quan hệ chính trị giữa EU và Mỹ dường như bị sứt mẻ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Tuyên bố COP21 Paris về biến đổi khí hậu. Mối quan hệ còn căng thẳng hơn, với việc Mỹ yêu cầu xem xét lại ngân sách và hoạt động của NATO, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, trong mối quan hệ với Iran, Nga, Trung Quốc. Thêm vào đó, cách truyền tải thông điệp thẳng thắn, có thể nói là thiếu ngoại giao của ông Trump, cũng khiến nhiều lãnh đạo EU bằng mặt mà không bằng lòng.
Sẽ có thay đổi gì nếu ông Biden điều hành Nhà Trắng?
Nếu ông Biden chính thức giữ vai trò Tổng thống thứ 46 của Mỹ, mối quan hệ giữa EU và Mỹ chắc chắn sẽ được cải thiện hơn so với thời ông Trump. Bởi lẽ, ông Biden và đảng Dân chủ cũng ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, nên sẽ quay lại COP21, cũng như quyết liệt chống Covid-19, phục hồi kinh tế. Ngoài ra, một phần tính thiên tả trong chính sách của đảng Dân chủ sẽ giúp ông Biden và các nhà lãnh đạo EU dễ tìm được tiếng nói chung với nhau.
Tuy vậy, ông Biden cũng là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách mua đồ Mỹ “Buy American”, nên câu chuyện Boeing-Airbus sẽ không sớm kết thúc. Ngoài ra, Mỹ và EU đều biết rằng nếu Boeing-Airbus sát phạt nhau sẽ có ngư ông đắc lợi là công ty sản xuất máy bay COMAC của Trung Quốc.
Một câu hỏi khó đặt ra giữa Mỹ và EU, là việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ (GAFA). EU là thị trường rất quan trọng của GAFA và liên minh này đang quyết tâm mạnh tay với việc chuyển giao, lách thuế của các tập đoàn này. Việc đánh thuế các tập đoàn này chỉ còn là việc chọn cách đánh thuế như thế nào. Vấn đề là mối quan hệ của đảng Dân chủ với các tập đoàn công nghệ ở thung lũng Silicon gần gũi hơn cả đảng Cộng hòa.
Như vậy, nếu ông Biden chính thức điều hành Nhà Trắng từ sau ngày 20-1-2021, quan hệ thương mại EU-Mỹ sẽ bớt căng thẳng hơn, việc áp thuế trừng phạt nhau theo kiểu ăn miếng trả miếng sẽ chấm dứt, thay vào đó là các hình thức trợ giá tinh vi hơn. Ông Biden sẽ tiếp tục hoặc quay trở lại các chính sách thời ông Obama, dĩ hòa vi quý với EU. Có điều sự nhã nhặn của 2 bên có thể là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc thực hiện nhanh các tham vọng của mình.