Thương mại Việt Nam - Thái Lan: Tự tin với mục tiêu 20 tỷ USD
Tại kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp về thương mại giữa Việt Nam - Thái Lan, hai nước đã đặt mục tiêu đến năm 2020, hai chiều đạt 20 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, mục tiêu này hoàn toàn khả thi.
Bộ Công Thương cho biết: Hiện trong khu vực ASEAN, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 2 của Thái Lan và Thái Lan là bạn hàng thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thái Lan đã đạt 12,49 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.
4 tháng đầu năm 2017, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo Bộ Thương mại (Thái Lan), kim ngạch thương mại hai nước chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là các mặt hàng: Điện gia dụng và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; linh kiện, phụ tùng ô tô; ô tô nguyên chiếc; phân bón; nguyên liệu nhựa. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan, gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải phụ tùng; hàng thủy sản; sắt thép các loại...
Tại hội thảo Xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam - Thái Lan do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ông Winichai Chaemchaeng cùng chung nhận định, dư địa cho tăng trưởng thương mại Việt Nam - Thái Lan thời gian tới còn rất lớn.
Dẫn chứng cho nhận định này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết nhằm hướng tới 4 mục tiêu, bao gồm: Hình thành thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; hình thành khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong đó, mục tiêu hình thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung đã được thực hiện tương đối toàn diện thông qua các thỏa thuận đã ký kết như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Khung về dịch vụ ASEAN (AFAS), Hiệp định về Di chuyển thế nhân trong ASEAN (MNP), Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
Bộ Công Thương Việt Nam cam kết sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan nhằm tăng cường cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho DN nắm bắt, tận dụng các ưu đãi và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.
"Thêm vào đó, Chính phủ hai nước đều đang thực hiện nhiều biện pháp giảm rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông như, thúc đẩy áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần thông qua cơ quan có thẩm quyền, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN) trong xuất khẩu hàng hóa" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Dư địa cho tăng trưởng thương mại Việt Nam - Thái Lan còn rất lớn, song Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan - ông Winichai Chaemchaeng - cũng cho biết: Thời gian tới, Chính phủ hai nước cần đẩy mạnh tăng cường trao đổi thông tin thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, nhằm tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp hai nước.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, nhằm tạo ra những cơ hội tốt nhất để thâm nhập thị trường, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.