Triển vọng đầu tư trực tiếp của Liên minh châu Âu vào Việt Nam
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và từ Liên minh châu Âu (EU) nói riêng là một trong những ưu tiên của Chiến lược phát triển đối ngoại của Việt Nam. Bởi EU là nhà đầu tư lớn, có trình độ công nghệ cao và là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ thực tế đầu tư của EU vào Việt Nam thời gian qua, bài viết đưa ra những nhận xét và dự báo triển vọng giai đoạn tới.
Hoạt động đầu tư của EU vào Việt Nam
EU là một nhà đầu tư lớn và sớm có mặt ở Việt Nam. Các nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam từ cuối năm 1987, khi Việt Nam mới ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Nhìn lại sau 30 năm thu hút FDI từ EU có thể nhận định rằng, EU là một trong những nhà đầu tư lớn của nước ta, chỉ đứng sau các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến giữa quý I/2017, có 1.959 dự án từ 24 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 21,563 tỷ USD, chiếm 8,5% số dự án của cả nước và chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Các nhà đầu tư EU đã đầu tư vào 18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Ba lĩnh vực tại Việt Nam được các nhà đầu tư EU quan tâm đầu tư nhiều là công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 630 dự án có tổng vốn đầu tư 8 tỷ USD, chiếm 32,2% số dự án và chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư của khối EU tại Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 3,2 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. Lĩnh kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ ba với 51 dự án và tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD, chiếm 2,6% số dự án và chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư khối EU có mặt tại 54/63 địa phương của cả nước, tập trung chủ yếu tại các trung tâm kinh tế lớn và các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đồng Nai.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ nhất về thu hút dự án của khối EU với 799 dự án và 3,6 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 17,1% tổng vốn đăng ký của EU tại Việt Nam. Tiếp đến là Hà Nội với 436 dự án và 3,6 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 16,9% tổng vốn đăng ký. Thứ ba là Bà Rịa-Vũng Tàu với 39 dự án với số vốn đăng ký là 2,6 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1% tổng vốn đăng ký.
Trong tổng số 24 quốc gia EU có dự án còn hiệu lực tại Việt Nam các quốc gia đầu tư nhiều gồm Hà Lan, Vương quốc Anh, Pháp, Luxembourg và Cộng hòa Liên bang Đức. Riêng 5 quốc gia này chiếm 71,7% số dự án và 83,1% tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam.
Trong đó, Hà Lan đứng đầu với 282 dự án và 7,6 tỷ USD, chiếm 35,5% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. Vương quốc Anh đứng thứ hai với tổng số vốn đầu tư là 3,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư. Pháp đứng thứ ba với số vốn đầu tư 2,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư.
Về tình hình thực hiện vốn FDI, EU là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam với số vốn thực hiện tăng nhanh, đạt khoảng 7 tỷ USD năm 2015, chiếm tới 60% vốn đăng ký. EU có tỷ lệ cộng dồn đầu tư thực hiện trên mức đầu tư cam kết cao hơn gấp 4 lần mức trung bình (vốn giải ngân so với vốn đăng ký) của các nhà đầu tư ở Việt Nam trong năm 2015.
Như vậy, về thực chất, có thể nói EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Nhật Bản. Các dự án đầu tư của EU có tỷ lệ vốn vay là 42%, trong khi tỷ lệ vốn vay trung bình của các dự án FDI ở Việt Nam là 54%. Điều này chứng tỏ các dự án đầu tư của EU cũng ít rủi ro hơn.
Triển vọng đầu tư của EU vào Việt Nam giai đoạn tới
Việt Nam rất kỳ vọng thu hút nguồn vốn FDI từ các quốc gia thuộc EU, bởi kèm theo vốn từ EU là các dự án công nghệ cao và trọng yếu đối với nền kinh tế, là kỹ năng quản trị tiên tiến. Tuy nhiên, những khó khăn trong hiện thời của kinh tế EU có thể sẽ làm hạn chế dòng vốn đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam.
Trong bối cảnh chưa thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao trong năm 2016, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong năm 2017 do tác động từ những biến động chính trị tại khu vực.
Giới phân tích cho rằng, những biến động chính trị đang là áp lực đối với các nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến việc thị trường có thể đòi hỏi lãi suất cao hơn đối với các doanh nghiệp và các chính phủ, khiến các tổ chức tài chính công bị suy yếu. Ngoài ra, lạm phát trở lại dự báo sẽ kìm hãm sức mua. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lạm phát có thể tăng từ 0,2% trong năm 2016 lên 1,2% năm 2017 nhằm đạt mức mục tiêu 2% mà Khu vực Eurozone đề ra.
Thoạt nhìn, đó có thể là một tín hiệu tốt khi mà bóng đen của giảm phát đe dọa EU từ năm 2013 cuối cùng đã được đẩy lùi. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế, sự quay trở lại của lạm phát có thể làm giảm sức mua của các hộ gia đình, kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm…
Việc tăng lãi suất cùng sự quay lại của lạm phát cũng là yếu tố làm suy yếu khả năng tăng trưởng kinh tế của khu vực EU. Tuy nhiên, kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh do EuroCham thực hiện đối với gần 200 doanh nghiệp của các nước EU đang đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2016 vẫn cho thấy, có tới 39% số doanh nghiệp dự định tăng mức đầu tư tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp EU đang có nhiều động thái nhằm triển khai các hoạt động đầu tư vào Việt Nam để đón nhận các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh mới giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Trong đó, các lĩnh vực chủ chốt được dự báo sẽ đón dòng vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp EU bao gồm: Lĩnh vực đầu tư kinh doanh thực phẩm, nông sản và thủy sản, thực phẩm dinh dưỡng, năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc và công nghệ cao.
Theo dự báo của EuroCham, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ là lĩnh vực hết sức tiềm năng đang được nhiều doanh nghiệp EU chờ đón, trong đó, xu hướng đầu tư ngoài tập trung nguồn vốn sẽ còn đẩy mạnh chuyển giao nhiều giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến và sản xuất hàng nông sản, thực phẩm.
Việt Nam hiện đang sở hữu những lợi thế để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Âu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (VEFTA) có hiệu lực vào năm 2018.
Với quy mô và tiềm năng về vốn, công nghệ của EU, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.
Điều này sẽ mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp và địa phương trong cả nước, góp phần thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.