Thưởng Tết 2017: Không biến động nhiều so với 2016
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có công văn 4577/LĐTBXH-LĐTL yêu cầu các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương báo cáo tình hình tiền lương năm 2016 và kế hoạch thưởng tết năm 2017.
Theo đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo bộ phận chuyên môn đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản trợ cấp, phụ cấp.
Đặc biệt, đối với phương án tiền thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.
Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các địa phương khảo sát về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2016 và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn và gửi báo cáo về Bộ trước 31/12/2016.
Theo các chuyên gia, dự kiến thưởng Tết Nguyên đán 2017 sẽ không có biến động nhiều hơn so với năm 2016.
Theo thống kê năm ngoái, mức thưởng Tết Nguyên đán 2016 cao nhất là 624 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp FDI tại Hải Dương. Đơn vị có mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng/người, thuộc doanh nghiệp FDI ở Bình Phước.
Thưởng tết là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Việc trả tiền thưởng tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích người sử dụng lao động nên có chế độ đãi ngộ tốt nhất cho người lao động để họ tăng gia sản xuất.
Số lượng thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.
Trong những năm gần đây, ngoài việc thưởng tết bằng tiền mặt như thông thường, một số doanh nghiệp đã dùng chính sản phẩm của mình để thưởng tết cho cán bộ nhân viên.