Thương vụ 2.000 tỷ đô mà tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đang xâu xé
Tất cả các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu bằng mọi cách đều muốn có chân trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của Aramco. Điều gì đã khiến vụ IPO này thu hút các ngân hàng đến vậy? Bởi đó không chỉ là IPO, đó là mỏ vàng với tổng trị giá có thể lên tới 2.000 tỷ USD.
Sau khi hay tin công ty dầu mỏ quốc doanh của Ả rập xê út sẽ phát hành IPO, phản ứng đầu tiên của phố Wall là sốc. Ngay lập tức, mọi cuộc gọi từ các ngân hàng London và New York đổ dồn về Dubai - trung tâm tài chính của Trung Đông.
Tất cả các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu bằng mọi cách đều muốn có chân trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của Aramco. Điều gì đã khiến IPO thu hút các ngân hàng đến vậy? Bởi đó không chỉ là IPO, đó là mỏ vàng với tổng trị giá có thể lên tới 2.000 tỷ USD. Ả rập dự kiến bán ra tài sản trong đó bao gồm 15 tỷ USD giá trị trái phiếu chính phủ để bổ sung nguồn tài chính và giảm lệ thuộc vào dầu mỏ.
Theo công ty nghiên cứu Freeman & Co New York, chi phí vương quốc này trả cho các ngân hàng đã tăng gần 1/3 lên khoảng 100 triệu USD trong 5 tháng đầu năm. Đó chỉ là một con số nhỏ ở Mỹ và châu Âu, nhưng công cuộc đa dạng hóa nền kinh tế Ả rập thì mới chỉ bắt đầu.
"Đại hội tranh phần"
Các ngân hàng nước ngoài đã chắc chân tại Ả rập đang gấp rút bổ sung nhân viên, lãnh đạo hàng đầu đến thủ đô Riyadh. Trong số những ngân hàng lớn nhất, HSBC và JPMorgan Chase đều đã có những bước khởi đầu thuận lợi.
Stuart Gulliver – giám đốc điều hành HSBC tại London thường xuyên bay đến Ả rập để gặp gỡ giới làm chính sách của vương quốc này. HSBC đang tham gia vào quá trình tư nhân hóa SGDCK Saudi Stock Exchange và có khả năng thêm cả công ty điện Saudi Electricity.
2 nhân viên ngân hàng HSBC gần đây đã chính thức nhảy vào công việc của chính phủ Ả rập. Mohammad Al Tuwaijri – CEO HSBC khu vực Trung Đông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng kế hoạch và kinh tế hồi tháng 4. Fahad Al Saifm – giám đốc điều hành bộ phận ngân hàng và quản lý tiền tệ toàn cầu tại chi nhánh HSBC Ả rập đứng đầu văn phòng quản lý nợ chịu trách nhiệm bán ra trái phiếu quốc tế lần đầu tiên của vương quốc này.
HSBC, JPMorgan và Citigroup được chọn làm đơn vị tổ chức đợt IPO mới chỉ vài ngày trước.
Trong tháng vừa qua, JPMorgan là đơn vị tư vấn cho thương vụ rót vốn 3,5 tỷ USD của quỹ đầu tư quốc gia Ả rập (Saudi Public Investment Fund) vào Uber Technologies. CEO chi nhánh JPMorgan Ả rập cũng đang tăng thêm số lượng nhân viên khoảng 10%.
Tamim Jabr - người đứng đầu chi nhánh Deutsche Bank Ả rập hiện có khoảng 80 nhân viên nhận định: “Chúng tôi đánh giá Ả rập là thị trường tăng trưởng trọng tâm với tiềm năng lớn cho các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu.”
Giám đốc Morgan Stanley – Colm Keller – người vừa bay tới Riyadh trong tháng 4 trả lời báo al-Eqtisadiah rằng chuyến thăm của ông tới vương quốc là nhằm khẳng định lại cam kết của ngân hàng đối với Ả rập khi mà tương lai của quốc gia đã được định hình.
Các ngân hàng lớn không chỉ ganh đua với nhau, mà còn với các ngân hàng nhỏ. Verus Partners – đơn vị tư vấn được thành lập bởi 2 cựu nhân viên ngân hàng Citigroup Mark Aplin và Andrew Elliott - đã hỗ trợ Ả rập trong lần vay vốn 10 tỷ USD lần đầu tiên sau 15 năm từ các ngân hàng.
Michael Klein – một nhân viên ngân hàng đầu tư cũ của Citigroup cũng đang đảm nhận vai trò cố vấn cho thương vụ IPO của Aramco. Công ty của Klein là đối tác tư vấn chiến lược của chính phủ Ả rập trong khi JPMorgan chịu trách nhiệm chuẩn bị phát hành IPO.
Nhằm giảm thiểu tầm quan trọng của dầu mỏ trong nền kinh tế, Phó Thái tử Mohammed bin Salman mong muốn đưa quỹ đầu tư quốc gia lên vị trí hàng đầu thế giới, tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài từ 5% lên gấp 10 lần.
Cũng theo ước tính của Freeman, chỉ tính riêng thương vụ IPO của Aramco đã đem lại cho các ngân khoản phí trị giá ít nhất là 50 triệu USD.
Cơ hội tiềm năng
Ả rập đã thắp một ngọn đuốc soi sáng túi lợi nhuận ảm đạm của các ngân hàng đầu tư đang phải chịu áp lực từ mức lãi suất thấp kỷ lục, cộng thêm quyết định ra đi bất ngờ của cử tri Anh khiến cho các công ty chứng khoán – khách hàng tư vấn của các ngân hàng đầu tư lâm vào cảnh khó khăn.
Rõ ràng so với nhiều thương vụ IPO cùng kích cỡ ở nhiều nơi khác, khoản chi phí mà Ả rập trả cho các ngân hàng chẳng là bao. Trong thương vụ IPO của Ngân hàng thương mại quốc gia của Ả rập, nhân viên ngân hàng, luật sư và kế toán chỉ được 25 triệu riyal (6,65 triệu USD) – tương đương với 0,1% giá trị thương vụ. Trong khi đó các ngân hàng bảo lãnh phát hành IPO ở châu Âu nhận được khoản phí trung bình là 2,7% giá trị thương vụ.
Hơn nữa, Ả rập còn được biết đến là cái nôi của đạo Hồi - nơi tồn tại nhiều điều cấm khắt khe vốn trái ngược với văn hóa phương Tây.
Tuy nhiên, cơ hội kiếm tiền thì vẫn không bao giờ hết sức quyến rũ.
“Các ngân hàng đang nhìn thấy một mỏ vàng lớn, họ sẽ không để tuột mất cơ hội này. Nhiều khả năng dầu sẽ không quay trở lại mốc đỉnh lịch sử, nhưng nền kinh tế Ả rập sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới.”