"Thủy chung" với doanh nghiệp thua lỗ: Chiến lược đầu tư sai lầm?
Bên cạnh những nhà đầu tư luôn theo xu hướng thị trường và tìm kiếm những doanh nghiệp tốt, thì không ít người vẫn mải miết "thủy chung" với những doanh nghiệp đang thua lỗ với kỳ vọng có thể "đánh bại thị trường" khi đi ngược xu hướng.
Những doanh nghiệp hoạt động tốt và cổ phiếu tăng trần luôn hấp dẫn đa số nhà đầu tư, tuy nhiên để mua được với mức giá hợp lý lại không phải dễ dàng với những nhà đầu tư nhỏ lẻ do thiếu khả năng định giá chính xác giá trị của doanh nghiệp. Ngược lại, những doanh nghiệp đang thua lỗ, cổ phiếu giảm sàn liên tiếp về vùng giá hấp dẫn thì vẫn có thể được xem là "món hời" trong mắt một bộ phận nhà đầu tư, đặc biệt là khi có thể mua được dễ dàng.
Đó thường là một sai lầm trong chiến lược đầu tư. Những người ôm cổ phiếu doanh nghiệp đang thua lỗ thường mong đợi vào một phép màu nào đó có thể khiến doanh nghiệp có lãi trở lại, hoặc chí ít là một thông tin bất ngờ để giúp cổ phiếu tăng giá và thoát khỏi xu hướng giảm. Tuy nhiên điều này trong hầu hết trường hợp là bất khả thi.
Hầu hết các doanh nghiệp thua lỗ thường có nợ vay cao, khả năng quản trị doanh nghiệp yếu kém, hàng tồn kho cao, nhiều khoản thu có vấn đề khi nội tại doanh nghiệp không thay đổi, kế hoạch tái cấu trúc không như mong muốn. Các doanh nghiệp loại này thường đối mặt với dòng tiền âm, tức nguồn thu không đủ bù chi nên nếu không có sự đột phá trong chiến lược kinh doanh thì rất khó để tiến được đến điểm hòa vốn.
Nhưng với những doanh nghiệp thua lỗ do tỷ giá thì cơ hội chuyển sang lãi trở lại có khả năng cao hơn khi tỷ giá đảo chiều.
Trong khi đó, những doanh nghiệp quyết định bán một dự án nào đó và mang lại lợi nhuận bất thường thì thường không được đánh giá cao, do việc bán đi dự án thực tế là cắt đứt nguồn lợi nhuận trong tương lai chuyển sang hiện tại, và kết quả kinh doanh không được cải thiện.
Trên sàn chứng khoán không hiếm những doanh nghiệp vẫn thua lỗ nhưng luôn có sự hấp dẫn nhất định với nhà đầu tư. Một tập đoàn kinh doanh bất động sản hàng đầu một thời giờ chuyển sang đầu tư nông nghiệp, một tổ chức tín dụng đối mặt với nợ xấu khổng lồ và khó có thể có được lợi nhuận trong 5 năm tới, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mua vào với kỳ vọng mơ hồ.
Thực tế không ít thời điểm những cổ phiếu dạng này có bật lên nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc khi lỗ ít hơn, tuy nhiên con đường từ lỗ sang lãi và rồi tiến đến xóa lỗ lũy kế không bao giờ là điều dễ dàng và xảy ra nhanh chóng.
Theo quy định, doanh nghiệp nếu làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Dù vậy, dòng tiền đầu cơ lẫn đầu tư vẫn chực chờ rình rập tại những cổ phiếu này với phương châm "rủi ro cao đi kèm với lợi nhuận cao", khi mà giá những cổ phiếu này quá thấp và cho rằng khó có thể giảm sâu hơn được nữa. Đặc biệt là chỉ cần lượng vốn ít cũng có thể mua vào với số lượng lớn và do đó tỷ suất sinh lời thường đạt ở mức cao hơn rất nhiều khi cổ phiếu phục hồi nếu so với đầu tư vào những cổ phiếu giá đã quá cao.
Tuy nhiên, chi phí cơ hội là điều mà một bộ phận nhà đầu tư không biết hoặc đã quên. Việc nguồn vốn rót vào những doanh nghiệp kém hiệu quả và chờ đợi phục hồi vô tình khiến nhà đầu tư bỏ qua những cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp tiềm năng khác, mà lợi nhuận vẫn tăng trưởng đồng hành với diễn biến giá cổ phiếu tích cực.
Thậm chí có những người chấp nhận bán những cổ phiếu đang tăng và sinh lời tốt để duy trì danh mục đang bị thua lỗ. Nhưng họ không hiểu rằng "thời gian là bạn của doanh nghiệp tốt và là kẻ thù của những doanh nghiệp tồi".
Kiên trì luôn là đức tính tốt trong đầu tư chứng khoán, nhưng kiên trì đặt không đúng nơi sẽ dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư, lãng phí cơ hội và ảnh hưởng đến tâm lý khi lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, hy vọng và rồi thất vọng, để rồi từ đó càng dễ có những quyết định sai lầm. Dù vậy, với nhiều người chỉ hứng thú khi cổ phiếu giảm và lỗ.