Cầu vốn tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng
Việc tiếp cận vốn để nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh, giải quyết các vấn đề về dòng tiền, vốn lưu động, công nợ… luôn là một trong những khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ hay siêu nhỏ.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, các nhà băng gần đây tích cực đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tuy nhiên vẫn còn những rào cản cố hữu chưa thể xóa bỏ để ngân hàng và doanh nghiệp “gặp nhau”.
Nhà băng “rộng mở hầu bao”
Có thể nói, trong số 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam, phân khúc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 85-90%. Đối với nhóm doanh nghiệp này, vốn lưu động luôn là một bài toán khó giải. Dù vậy, mới chỉ khoảng 40% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận được vốn nhà băng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các ngân hàng theo hướng tập trung phục vụ nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DNNVV.
Đồng thời, điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ.
Các ngân hàng bắt đầu thay đổi quan điểm, rộng “mở hầu bao” giải ngân vốn cho doanh nghiệp. Nhiều tổ chức tín dụng tích cực đổi mới thủ tục giao dịch, công bố công khai các thông tin liên quan và cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết.
Đối với các doanh nghiệp minh bạch và có phương án kinh doanh hiệu quả, nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay với gói lãi suất ưu đãi.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho biết ngân hàng này luôn xác định khách hàng nhỏ là phân khúc quan trọng nhất.
“VietinBank luôn có những sản phẩm tốt nhất cho phân khúc khách hàng là DNNVV. Ngân hàng rút ngắn thời gian thẩm định, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để làm sao ra được quyết định nhanh nhất theo hướng phù hợp với DNNVV. Bên cạnh đó, VietinBank cũng có gói lãi suất ưu đãi nhất với phân khúc khách hàng DNNVV”, ông Vinh cho biết.
Mới đây, PvcomBank triển khai một loạt gói cho vay với cơ chế linh hoạt, đáp ứng tối đa từng nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp như: Sản phẩm PV Ready, dành hạn mức 15 tỷ đồng/khách hàng cho nhóm doanh nghiệp doanh thu 10 – 50 tỷ đồng/năm. Hay sản phẩm PV Support ưu đãi đặc biệt cho nhóm doanh nghiệp có doanh thu 10 – 200 tỷ đồng/năm, giá trị cấp hạn mức tín dụng lên tới 21 tỷ đồng/khách hàng.
Ngoài ra, còn có gói tài trợ vốn cho doanh nghiệp mua các loại ô tô phục vụ nhu cầu đi lại hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh lên đến 15 tỷ đồng, thời hạn cho vay lên tới 84 tháng.
Mở vòng luẩn quẩn
Dù đã nỗ lực, nhưng thực tế, khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017. DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong các cuộc hội thảo liên quan đến chủ đề tiếp cận tín dụng đối với DNNVV được tổ chức gần đây, giới chuyên gia đều chỉ ra những vướng mắc khiến doanh nghiệp và ngân hàng chưa thể “bắt tay”, đó là do thiếu hoạt động minh bạch, quản trị điều hành chưa bài bản, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược hoạt động cụ thể, khiến các nhà băng chưa yên tâm cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ, các doanh nghiệp này cũng không có đủ tài sản thế chấp để vay tiền tại các ngân hàng. Trong trường hợp cho vay, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro rất lớn về nợ xấu.
Khảo sát thực tế cho thấy đa phần doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đều thiếu tài sản đảm bảo, trong khi đối tượng doanh nghiệp này chưa tạo được sự tin tưởng về năng lực vận hành, khả năng tài chính với ngân hàng.
Vì vậy, nhiều năm qua, doanh nghiệp vẫn cứ bị vướng vào vòng luẩn quẩn “muốn mở rộng thì cần vốn nhưng muốn vay vốn thì lại không dễ vì quy mô nhỏ” mà chưa tìm được lối thoát.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng lãi suất cho vay thời gian gần đây đã giảm, nhưng chỉ những doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới đáp ứng được điều kiện hưởng ưu đãi, đa phần những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải chịu mức lãi suất cho vay vẫn còn cao.
Ông Kiêm kiến nghị, NHNN hàng năm nên có bảng xếp hạng tín nhiệm dành cho các DNNVV, dựa vào bảng xếp hạng, các ngân hàng thương mại nên có chính sách cho vay tín chấp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhóm khách hàng này. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế và tiếp tục giảm lãi suất cho vay.