Tích lũy cổ phiếu ngay để nhân đôi tài khoản trong năm 2025
Theo ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh số Chứng khoán VPBank, VN-Index có nhiều kỳ vọng hơn trong năm 2025, khi khả năng nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét hơn, vì vậy, mã chứng khoán nào đang giảm thì nhà đầu tư có thể mua vào từ giờ.
Phóng viên: Ông có nhận định thế nào về định giá thị trường P/E hiện nay?
Ông Nguyễn Việt Đức: P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang 14. Đây không phải là mức rẻ, mà là mức trung bình của VN-Index trong 10 – 15 năm qua. Mức P/E rẻ phải là 10, ở mức này cứ mua cổ phiếu là thắng và 5 năm mới xảy ra một lần.
Phóng viên: Vậy những thông tin nào có thể tác động tới thị trường thời điểm này?
Thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường không chịu ảnh hưởng của yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp mà ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô. Hiện nay, yếu tố vĩ mô đang lấn át câu chuyện về lợi nhuận.
Câu chuyện về lợi nhuận sẽ rất tích cực trong bối cảnh vĩ mô không có vấn đề gì. Song, hiện nay, tỷ giá đã mất 3% trong tháng 10. Trong một năm tỷ giá chỉ nên mất 4-5% nhưng riêng tháng 10 đã mất 3%, lúc đó câu chuyện vĩ mô lấn át câu chuyện lợi nhuận doanh nghiệp.
Phóng viên: Ông có thể phân tích sâu hơn về tác động giữa tỷ giá và thị trường?
Ông Nguyễn Việt Đức: Tỷ giá rõ ràng là yếu tố nên quan tâm, phản ánh tất cả câu chuyện về lạm phát, chênh lệch lãi suất và dòng tiền.
Nhìn vào lịch sử, năm 2016 khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì USD tăng mạnh. Gần đây, khi ông Trump có vẻ thắng thế trong cuộc bầu cử, USD cũng bứt rất mạnh. Tôi cho rằng nếu ông Trump thắng cử thực sự thì nhiều khả năng DXY (chỉ số đo lượng sức mạnh đồng USD) có thể lên 108.
Riêng Việt Nam có vấn đề quan tâm nữa ngoài tỷ giá là lãi suất trái phiếu tăng trở lại. Đầu năm, chúng ta kỳ vọng Fed hạ lãi suất và lãi suất trái phiếu đi xuống. Hiện nay, ông Trump có khả năng thắng cử, lãi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại, về gần 5% - đây là điều bất ngờ, nếu xảy ra thì rất xấu cho không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà cả thế giới.
Bởi, khi ông Trump lên thì chính sách của ông liên quan nhiều đến thâm hụt ngân sách. Khi thâm hụt ngân sách nhiều thì phải phát hành trái phiếu, khi đó chỉ có lãi suất trái phiếu khó giảm nhanh được bởi chỉ có duy trì mới thu hút được người mua.
Vấn đề tiếp theo, tỷ giá liên ngân hàng tăng trong 1 tháng vừa qua khoảng 2,18% và tính từ đầu năm tăng 3,69%. Tỷ giá tăng đi kèm với cán cân thanh toán thâm hụt lại càng đáng lo.
Cán cân thanh toán trong 6 tháng đầu năm đã thâm hụt khoảng 7 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 3 -4 tỷ USD. Nhìn lại, trong cán cân thanh toán, hạng mục xuất nhập khẩu và FDI vẫn duy trì so với năm ngoái nhưng một số hạng mục xấu đi như trả nợ vay nước ngoài 2,4 tỷ USD, bị nước ngoài rút 2 tỷ USD và khoản lỗ và sai sót đến 4 tỷ USD (có thể đến từ những nguồn chuyển tiền mà không được thống kê).
Những yếu tố này buộc Ngân hàng Nhà nước phải có động thái nhiều hơn bao gồm phát hành tín phiếu và mua lại USD từ các ngân hàng thương mại (hiện đã mua khoảng 2 tỷ USD), thể hiện sự căng thẳng nhất định của tỷ giá hiện tại.
Thêm nữa, chúng ta chưa biết được đồng USD đã dừng đà tăng chưa? Hiện tại, thị trường đã ở trạng thái chờ đợi, chờ xem ông Trump hay bà Harris lên, qua đó biết được chính sách của Mỹ đi theo hướng nào.
Phóng viên: Có một câu chuyện trong nghề là, 3 tháng qua, rất nhiều môi giới đã bỏ nghề, thanh khoản giảm sút, doanh thu môi giới của công ty chứng khoán cũng giảm. Tình cảnh khó khăn như vậy thì ông cho rằng thị trường đã tạo đáy chưa?
Ông Nguyễn Việt Đức: Hoạt động môi giới của công ty chứng khoán hiện nay có rất nhiều yếu tố khiến cho doanh thu mảng này sụt giảm. Thứ nhất, thanh khoản thị trường sụt giảm 10 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ hai, doanh thu môi giới sụt giảm một phần do các công ty chứng khoán triển khai chương trình Zero Fee.
Một điểm nữa là vì sao thanh khoản thị trường thấp mà margin lại cao? Kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán hiện tại phụ thuộc vào margin, thậm chí có đơn vị 70 – 80% doanh thu, lợi nhuận đến từ mảng cho vay.
Để phân định doanh thu môi giới đã tạo đáy chưa thì rất khó xác định. Bởi thị trường theo chu kỳ, doanh thu môi giới và quy mô thanh khoản thị trường phụ thuộc vào VN-Index. Nếu VN-Index tăng điểm thì nhà đầu tư chăm giao dịch. Năm ngoái, đỉnh thị trường là tháng 9/2023, còn năm nay đỉnh tháng 3 hoặc 6 (nhiều cổ phiếu đã tạo đỉnh tháng 3).
Phóng viên: Trong tuần này, Quốc hội xem xét đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán, ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Việt Đức: Chúng tôi khá quan tâm đến câu chuyện về trái phiếu, liệu có được tiếp tục bán cho nhà đầu tư riêng lẻ không hay chỉ bán cho nhà đầu tư tổ chức. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân cũng chiếm khoảng 25% thị trường trái phiếu và chủ yếu bán qua các công ty chứng khoán. Vì vậy, mảng phân phối trái phiếu cũng mang lại lợi nhuận nhiều cho công ty chứng khoán, đặc biệt như công ty có nguồn gốc ngân hàng.
Tuy nhiên, Luật đưa ra sẽ lộ trình để thị trường thích ứng, được biết, những quy định này, Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội cho phép có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các công ty quản lý quỹ. Bởi các cá nhân có thể mua thông qua công ty quản lý quỹ.
Phóng viên: Ở một góc nhìn lạc quan, nhà đầu tư đổ tiền vào mã nào để cuối năm "nhân đôi, ba tài khoản", thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Đức: Đến cuối năm do còn vài tháng nên khó dự báo, song đến năm 2025 thì có thể có vài kỳ vọng. Đó là ngành Chứng khoán với kỳ vọng được nâng hạng thị trường vào năm 2025 nên mã chứng khoán nào giảm thì nên mua vào.
Thứ hai, câu chuyện quan tâm tiếp theo là nhóm bất động sản, giá chung cư tăng rất mạnh nên tôi cho rằng doanh nghiệp nào không dính đến trái phiếu và có chung cư bán ngay thì lợi nhuận sẽ tăng.
Thứ ba, nhóm Ngân hàng phục thuộc vào nền kinh tế và bất động sản, nên ngân hàng ăn theo bất động sản như TPBank, VPBank hay MBBank có thể quan tâm nếu tin bất động sản phục hồi mạnh năm sau.
Phóng viên: Cảm ơn ông đã chia sẻ!