Tiềm ẩn rủi ro từ mô hình cho vay ngang hàng

Theo Thùy Dương/bnews.vn

Tại Việt Nam, mô hình cho vay ngang hàng phát triển ngày càng nhiều trong hơn 2 năm trở lại đây, nhưng do thiếu hành lang pháp lý nên gây ra những rủi ro nhất định cho các bên tham gia..

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cho vay ngang hàng (P2P lending) là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến. Tại Việt Nam, mô hình này phát triển ngày càng nhiều trong hơn 2 năm trở lại đây, nhưng do thiếu hành lang pháp lý nên gây ra những rủi ro nhất định cho các bên tham gia.. 

Hiện có hàng chục website đang hoạt động dưới mô hình cho vay ngang hàng như: tima, doctordong, huydong, vaytien… với đầy đủ những dịch vụ của các ngân hàng. Chẳng hạn như: vay cầm cố tài sản, vay tín chấp theo lương, vay theo hộ khẩu, vay theo hóa đơn điện nước, vay trả góp theo ngày, vay theo đăng ký xe máy, đăng ký ô tô, cầm ô tô, vay mua ô tô trả góp..., mức vay từ 1 - 30 triệu đồng trong thời gian 30 ngày. 

Các website này đóng vai trò trung gian thông qua công nghệ thông tin để làm cầu nối giữa người cho vay (nhà đầu tư) và người cần vay. Đây là mô hình kinh doanh giống như Grab cung cấp ứng dụng để kết nối người có xe và người cần đi xe. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán không còn hấp dẫn thì mô hình cho vay ngang hàng với lãi suất hấp dẫn đã thu hút khá đông người tham gia. 

Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất của mô hình này cao hơn so với các tổ chức tín dụng, nhưng những cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận các kênh cho vay truyền thống vì không có tài sản đảm bảo hoặc do các thủ tục vay vốn phức tạp thì mô hình cho vay ngang hàng có thêm điều kiện phát triển. Thực tế cho thấy, toàn bộ quá trình đăng ký, thẩm định, cho vay đều trực tuyến và thời gian hoàn tất (từ lúc vay đến giải ngân) chỉ trong thời gian rất ngắn. 

Tuy nhiên, mô hình này tồn tại khá nhiều rủi ro và bất cập, từ hành lang pháp lý cho đến đối tượng tham gia. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện Việt Nam chưa có quy định về việc cho vay ngang hàng và việc phát triển dịch vụ này tồn tại rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.
Nguyên nhân là do các công ty chỉ đơn thuần cung cấp ứng dụng phần mềm hoặc website để kết nối giữa người cho vay và người cần vay, chứ không trực tiếp huy động hay cho vay nên các công ty này không nằm trong đối tượng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hợp đồng giữa người cho vay và người cần vay còn thiếu chặt chẽ và không tuân thủ theo quy định pháp luật. Người cần vay chỉ cần có tên và chứng minh thư nhân dân.
Trong khi đó, người cho vay gần như không thẩm định được năng lực tài chính, khả năng trả nợ và mục đích sử dụng tiền vay của người đi vay mà phụ thuộc hoàn toàn vào những đánh giá của đơn vị trung gian. 

“Mọi rủi ro sẽ đẩy hết về phía người cho vay và nếu xảy ra biến động thì người cho vay sẽ phải gánh chịu", Luật sư Trương Thanh Đức, công ty Luật Basico cho biết. 

Ngoài ra, dù không có chức năng huy động vốn hay cho vay, nhưng thực tế nhiều công ty lợi dụng danh nghĩa cung cấp dịch vụ môi giới, kết nối, nhưng lại trực tiếp huy động vốn từ khách hàng với lãi suất cao rồi cho vay lại để hưởng chênh lệch lãi suất (tức là hoạt động như một tổ chức tín dụng). Khi bị phát hiện vi phạm sẽ buộc phải đóng cửa thì rủi ro gần như sẽ bị đẩy về những người đã cho công ty vay vốn. 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện Ngân hàng Nhà nước đang gặp khó khăn vì pháp luật không có quy định cấm mô hình này hoạt động, nhưng cần có khung pháp lý quy định để quản lý cho phù hợp mô hình này. 

Đồng tình quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, nên có hành lang pháp lý cho mô hình này để tránh rủi ro chung của xã hội và tổ chức trung gian, các cá nhân tham gia cũng cần tuân thủ pháp luật. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, mô hình cho vay ngang hàng không được thực hiện trên nền tảng pháp lý chặt chẽ và rất cần Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không tham gia mô hình này.