Tiềm năng thị trường carbon rừng ở Việt Nam

PV. (t/h)

Thương mại carbon rừng được hiểu là việc hấp thụ carbon của rừng có thể mang ra bán, thu tiền về. Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng và được đánh giá có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng. Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới.

Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới.
Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới.

Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng của Việt Nam hiện nay gồm: diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 14.860.309 ha và diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.927.122 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.129.751 ha và rừng trồng 3.797.371 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Do vậy, Việt Nam được coi là có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng.  

Về tiềm năng carbon rừng theo các vùng sinh thái của Việt Nam, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2022), các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm năng lớn nhất. Trong đó, vùng Đông Bắc có diện tích rừng tự nhiên 2.331.602 ha với lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ ròng 21,514 triệu tấn CO2e/năm; vùng Bắc Trung Bộ có diện tích rừng tự nhiên 2.201.435 ha với lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ ròng 11,676 triệu tấn CO2e/năm; vùng Nam Trung Bộ có diện tích rừng tự nhiên 1.566.677 ha với lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ ròng 14,998 triệu tấn CO2e/năm và vùng Tây Nguyên có diện tích rừng tự nhiên 2.104.097 ha với lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ ròng 2,089 triệu tấn CO2e/năm.

Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon rừng. Đến nay, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á có hành lang pháp lí ghi nhận vai trò của carbon rừng trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như định hướng về việc thương mại carbon rừng.

Theo các chuyên gia kinh tế, ước tính trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới, từ đó có thể thu về hàng chục ngàn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. 

Việt Nam đã tham gia Chương trình chi trả dựa vào kết quả thực hiện REDD+ theo cơ chế Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng thế giới (WB) từ năm 2011. Đến tháng 10/2020, Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2024 đã được ký giữa Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Ngân hàng thế giới (WB). Theo Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm từ REDD+ cho WB với đơn giá 5USD/ tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt một từ WB là 41,2 triệu USD và giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo các chuyên gia, việc WB chi 51,5 triệu USD mua 10,3 triệu tấn carbon rừng giai đoạn 2018 - 2024 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ nói trên là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng, để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy hình thành thị trường carbon rừng trong thời gian tới, Việt Nam cần sớm công bố quy hoạch thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện; sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020 về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng...

Bên cạnh đó, cần phải mời chuyên gia quốc tế hoặc một tổ chức có uy tín chuyên tính toán lượng giảm phát thải carbon thực hiện; tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng, vận hành, khai thác thị trường tín chỉ carbon rừng...