Tiềm năng từ phân khúc bất động sản giải trí
Sau sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng, năm 2017, bất động sản giải trí sẽ là phân khúc ghi nhiều dấu ấn với sự tham gia của nhiều "ông lớn" trên thị trường.
Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm mới đây, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, các quốc gia có tiềm năng du lịch lớn trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia..., đã phát triển quần thể bất động sản du lịch giải trí chất lượng cao từ nhiều năm trước.
Những mô hình như Genting, Lan Quế Phường hay Pattaya…, đã đóng góp vào doanh thu ngành du lịch ở các nước này lên tới hàng chục tỷ USD.
Tại Việt Nam, nhiều khu nghỉ dưỡng hiện nay phần lớn là đầu tư vào nhu cầu để ở và kinh doanh. Với tổ hợp nghỉ dưỡng thực thụ thì cần phải có thêm 2 yếu tố khác là mua sắm (shopping) và vui chơi giải trí (entertainment), thì vẫn chưa làm được, trừ một số dự án của tập đoàn lớn.
Trong khi đó, du khách đi du lịch không chỉ để ngắm cảnh đẹp hay liệt kê chỗ ở, mà họ còn có nhu cầu rất lớn về giải trí. Điều đó lý giải tại sao Việt Nam có những nơi tuyệt đẹp, nhưng vẫn không hấp dẫn khách du lịch, kể cả khách du lịch nội địa.
Theo thống kê của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 6 tỷ USD (con số này trong năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỷ USD).
Khảo sát của Đầu tư Bất động sản cho thấy, kể từ sau giai đoạn trầm lắng của thị trường bất động sản 2010-2013, các chủ đầu tư bất động sản ở Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào các dự án phát triển bất động sản du lịch giải trí ở khá nhiều địa phương có tiềm năng cao như Hạ Long, dải ven biển miền Trung, kéo dài từ Thanh Hóa cho tới Bình Thuận, Phú Quốc.
Trong đó, Sun Group đang là tập đoàn đi tiên phong trong lĩnh vực này với hàng loạt dư án quy mô lới như Bà Nà Hills, Công viên Asia Park (Đà Nẵng), cáp treo Fansipan (Lào Cai), tổ hợp công viên giải trí Sun World Halong Park (Quảng Ninh) và tới đây là mô hình công viên chủ để Disneyland và Universal Studios nổi tiếng ở dự án Kim Quy (Hà Nội), hay tổ hợp cáp treo Hòn Thơm (Phú Quốc)…
Vingroup cũng đã triển khai hàng loạt dự án như Vinpearl Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc, quy mô 170.000 m2, với các tòa lâu đài, cửa hàng và khu vui chơi xinh xắn như bước ra từ thế giới cổ tích, vườn thú Safari hay sắp tới là khu vui chơi giải trí kết hợp casino ở Phú Quốc.
Một tập đoàn lớn khác là FLC cũng bắt đầu “cuộc chơi” với tham vọng đầu tư một công viên giải trí ngang tầm Disleyland tại Vĩnh Phúc, trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng, trên quy mô diện tích 250 ha và một vườn thú safari đang xây dựng có quy mô 200 ha ở Quy Nhơn (dự kiến hoàn thành vào 2017).
Ngoài ra, còn phải kể đến Empire Group khi đang hướng đến một mô hình giải trí lớn ở Đông Nam Á bằng việc công bố đầu tư trên 12.000 tỷ đồng cho Dự án Cocobay Đà Nẵng, đang trong quá trình xây dựng.
Trong khi đó, BRG Group đang lên kế hoạch lớn hợp tác với Sanrio của Nhật Bản để đầu tư vào công viên giải trí có tên Hello Kitty ở Hà Nội, kỳ vọng sẽ là một trong những công viên giải trí lớn nhất Việt Nam vào 2018. Đây cũng là chiến lược mở rộng đầu tư của Sanrio các công viên giải trí ở châu Á, sau khi thành công ở Trung Quốc và Malaysia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản giải trí là một mô hình kinh doanh khá mới mẻ, đòi hỏi dòng vốn lớn và thách thức tính sáng tạo, cũng như phải có công nghệ cao. Song, nếu biết làm thì đây được coi là "con gà đẻ trứng vàng" khi thị trường còn nhiều dư địa và vẫn còn nhiều thị trường ngách đang bị bỏ ngỏ như trường đua, casino….
Thực tế, trước đây, bất động sản giải trí đã bước đầu hình thành trong lòng các đô thị lớn hoặc nằm ở rìa các thành phố, điển hình như Công viên nước Đầm Sen, Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh), Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội),…hay một số trường đua địa phương. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế chính sách, cộng thêm sự khó khăn về nguồn vốn trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn, nên các dự án đã không được nâng cấp và một số dự án bị ngừng trệ.
Đến thời điểm hiện tại, khi Nhà nước đã quan tâm cao đến phát triển du lịch, giải trí như một mũi nhọn kinh tế mới với việc mở rộng, ban hành, sửa đổi các chính sách, pháp luật, thể chế, tạo điều kiện để phân khúc bất động sản giải trí có cơ hội trở lại và phát triển trong giai đoạn sắp tới.