Tiền ảo, nguy cơ thật
Đà tăng giá mạnh mẽ của đồng tiền ảo Bitcoin đã cán mốc mới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 USD/Bitcoin. Đây là kỳ tích trong bối cảnh đồng tiền ảo tiếng tăm nhất này chỉ đứng ở giá chưa đến 1.000 USD/Bitcoin vào hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, sức nóng của tiền ảo cũng gây ra những hệ lụy đáng ngại khi nó trở thành công cụ đầu cơ và làm nảy sinh bong bóng tài chính.
Đồng tiền giá trị nhất thế giới
Ra đời năm 2009 trong bối cảnh hệ thống ngân hàng và tài chính thế giới lâm vào khủng hoảng do Mỹ cho vay dưới chuẩn, Bitcoin không phụ thuộc vào một quốc gia hay ngân hàng nào. Giá trị của Bitcoin không bị xói mòn bởi chính sách lạm phát hoặc phát hành tiền tệ ồ ạt, bởi các quy định liên quan đến Bitcoin được xác định ngay từ đầu và bất di bất dịch. Cụ thể là có một thuật toán để tính toán việc phát hành Bitcoin và số tiền này sẽ giảm dần cho đến năm 2140. Như vậy, sẽ không bao giờ có quá 21 triệu Bitcoin được lưu hành.
Trong khối lượng tiền ảo này, các Bitcoin không giống nhau, mỗi Bitcoin là duy nhất. Danh sách chủ sở hữu của đồng tiền ảo được lưu giữ trong bộ nhớ và vô danh. Đồng Bitcoin có thể được trao đổi tự do khắp nơi và không để lại vết tích gì, không có phí giao dịch… Điều cơ bản của hệ thống đồng tiền ảo là gạt bỏ mọi chính sách độc đoán của Nhà nước.
Nói Bitcoin là tiền ảo cũng không hoàn toàn chính xác, mà đúng hơn là một loạt tiền điện tử. Nó có giá trị thật và có thể quy đổi ra tiền thật. Với tỷ giá 10.000 USD/Bitcoin hiện nay, đồng tiền này đang có giá trị lớn nhất thế giới.
Mặt trái của đồng xu
Theo phân tích của giới chuyên gia, đồng tiền này có thể bị bóp chết hoặc bị ngăn chặn bởi các Nhà nước. Theo thời giá hiện nay, tổng giá trị Bitcoin trên toàn thế giới lên tới khoảng 160 tỷ USD, tương đương với giá trị tập đoàn Coca-Cola, nhưng chỉ là một giọt nước so với 80.000 tỷ USD trong thanh khoản toàn thế giới. Không nên nhìn vào làn sóng đầu cơ hiện nay mà vội vã kết luận rằng Bitcoin sẽ trở thành đồng tiền thay thế.
Thứ nhất, phải hiểu rằng, giá trị của Bitcoin cũng chao đảo, lên - xuống thất thường như mọi đồng tiền khác. Chính vì thế, đến nay, các Nhà nước, ngân hàng và cơ quan quản lý tài chính quốc tế vẫn chưa quan tâm đến “vật thể lạ” này. Khi Bitcoin có giá trị hơn, khi mọi người có thể dùng đồng tiền ảo này để mua bán - tức là đe dọa quyền lực của Nhà nước, thì các chính phủ sẽ để mắt đến Bitcoin và tìm cách xóa bỏ đồng tiền này.
Thứ hai, Bitcoin là công cụ để rửa tiền bẩn và một dạng tài sản bị đầu cơ. Chicago Mercantile Exchange (CME) - chuyên mua bán hợp đồng giao hàng có thời hạn - ngày 18.12 tới sẽ tung ra loại hợp đồng thanh toán bằng Bitcoin.
Thứ ba, việc giao dịch mua bán Bitcoin chậm và tốn năng lượng. Mỗi giao dịch Bitcoin hiện nay ngốn mức điện năng tương đương mức tiêu thụ trung bình của một hộ gia đình Mỹ trong vòng một tuần. Bên cạnh đó, còn có rủi ro mất tiền nếu như bất thình lình máy tính hỏng hoặc bị virus tấn công.
Mặc dù là đồng tiền số nhưng Bitcoin tồn tại với nguồn cung có hạn và chúng cần được “đào” (giống như cách chúng ta đào vàng trên thực địa). Việc “đào Bitcoin” được thực hiện bằng cách xử lý nhiều vấn đề toán học cực kỳ phức tạp, vốn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều hệ thống máy tính hữu hình và cấu hình cực mạnh, do đó tốn rất nhiều điện năng.
Càng “đào” được nhiều đồng Bitcoin, thì những vấn đề trên càng trở nên khó xử lý hơn, theo đó, kết quả là nguồn điện năng tiêu thụ cũng như nguồn điện cấp cho hệ thống máy tính càng nhiều hơn. Một nghiên cứu gần đây do trang mạng Digiconomust tiến hành đã chỉ ra rằng, riêng việc “đào” Bitcoin hiện tiêu tốn nguồn điện năng nhiều hơn cả Ireland tiêu thụ trong một năm, và hơn cả lượng điện mà hầu hết các nước châu Phi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, vẫn còn câu hỏi: Bitcoin có kháng cự được các chấn động, như khủng hoảng tài chính, làn sóng tin tặc, sự sụp đổ của nhiều website hay không? Và đồng tiền ảo này có thể sống sót được không khi các Nhà nước thức tỉnh?