Tiếp cận và mở rộng đối tượng xuất khẩu nông sản sang Anh
Anh là thị trường có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam muốn thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài sang Anh cần phải có chiến lược phù hợp, tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.
Thực tế, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) được Chính phủ hai nước ký kết vào cuối năm 2020 đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh. Trong khi đó, nhu cầu tìm những nguồn cung ứng ngoài Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit của các doanh nghiệp Anh đã khiến hai bên cùng có cơ duyên hợp tác.
Đáng chú ý, hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Thống kê cho thấy, năm 2020, dung lượng nông sản tại thị trường này khá lớn, với 5,7 triệu tấn rau quả, trị giá gần 9 tỷ USD; 3,6 triệu tấn trái cây trị giá 5,4 tỷ USD; 23 nghìn tấn hạt điều trị giá 149,5 triệu USD; 14 nghìn tấn hạt tiêu trị giá 1221 triệu USD; 762.526 tấn gạo trị giá gần 660 triệu USD; nhập khẩu càphê trị giá gần 1 tỷ USD.
Cùng với đó, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã hiện diện tại thị trường Anh như: cà phê, hạt điều và hạt tiêu được tiêu thụ khá tốt trong các siêu thị lớn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, năm 2020, hạt điều xuất khẩu sang Anh đạt hơn 16 nghìn tấn, trị giá hơn 92 triệu USD, chiếm 71% thị phần; hạt tiêu xuất khẩu hơn 5.620 tấn, chiếm gần 40% thị phần; còn cà phê xuất khẩu 27.915 tấn, chiếm gần 5% thị phần cà phê nhập khẩu vào Anh.
Trong khi đó, gạo và trái cây như nhãn, vải, thanh long cũng đã có mặt nhưng chủ yếu được bày bán tại các siêu thị nhỏ lẻ phục vụ cộng đồng người Việt và một phần nhỏ cộng đồng người gốc Á, chưa thâm nhập được các siêu thị lớn của Anh. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam vào thị trường này.
Đặc biệt khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/5/2021, nhiều nông phẩm Việt Nam nhập khẩu vào Anh được miễn thuế. Tuy nhiên, việc tiếp cận đối với thị trường này không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu cao về chất lượng nông phẩm.
Tình hình trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được cơ hội thị trường khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn cần phải thực hành sản xuất theo GlobalGAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường Anh nói riêng và thị trường cao cấp nói chung.