Tiếp sức để khu vực tư nhân trở thành “đột phá chiến lược mới”
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ là một trong hai đột phá chiến lược mới được bổ sung vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thập niên tới.
Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng được củng cố, tuy nhiên, sau nhiều chủ trương, giải pháp, chính sách, vẫn cần có sự đột phá để phát triển khu vực tư nhân trong nước thời gian tới.
Vai trò mới trong bối cảnh mới
Tháng 6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đã vô cùng phấn khởi, được truyền thêm nhiệt huyết, động lực, bởi sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực tư nhân đã được đặt ở vị trí xứng tầm, từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất diễn ra đầu tháng này, ngoài 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ bổ sung thêm hai đột phá chiến lược mới vào chiến lược phát triển giai đoạn tới, là phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh sẽ là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.
Ông Richard D. McClellan, cố vấn cao cấp cho Công ty McKinsey Việt Nam cho biết, kinh tế tư nhân tại các nền kinh tế phát triển đóng góp tới 80 - 90% GDP, tại các nước đang phát triển con số này thường thấp hơn.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cũng khẳng định, phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ tạo ra lực lượng to lớn tham gia trực tiếp vào các hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển dẫn ra số liệu: Năm 2017, vốn của khu vực tư nhân chiếm 40,5% trong tổng nguồn vốn của xã hội và tăng đến 16,8% so với năm trước, trong khi khu vực kinh tế nhà nước chiếm 35,7% và tăng 6,7% so với năm trước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 23,8% tổng vốn và tăng 12,8% so với năm trước. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng vốn ngoài nhà nước vẫn đạt 17,7%, hơn được 1% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. TS. Lưu Bích Hồ cho rằng những con số trên đã cho thấy động lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đang ngày càng quan trọng hơn.
Dư địa mênh mông để phát triển
Ông Richard D. McClellan, cố vấn cao cấp cho Công ty McKinsey Việt Nam cho biết, kinh tế tư nhân tại các nền kinh tế phát triển đóng góp tới 80 - 90% GDP, tại các nước đang phát triển con số này thường thấp hơn. Đối với Việt Nam, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 42% GDP.
Ông Richard D. McClellan cho rằng, cơ hội phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước của Việt Nam có thể đến từ việc thúc đẩy sự chuyển dịch của khu vực phi chính thức thành chính thức; giảm bớt vị thế được ưu đãi của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế; tăng cường hệ sinh thái xung quanh các doanh nghiệp FDI.
Còn theo TS. Lưu Bích Hồ, để tạo đột phá cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế. Dẫn số liệu từ khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS. Lưu Bích Hồ cho biết 58% doanh nghiệp, nghĩa là khoảng 350 nghìn doanh nghiệp, phải xin những giấy phép con, trong khi chỉ có chưa đến 250 ngành nghề phải có điều kiện kinh doanh, để thấy doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Vì thế, thể chế đầy đủ không chỉ là ra văn bản, mà cần tổ chức thực hiện, đưa quyết định đó thực sự đi vào cuộc sống.
Đồng thời, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, còn dư địa mênh mông để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, 1 triệu doanh nghiệp vẫn là ít so với tỷ lệ dân số và không phải là nhiều so với các nước tiên tiến, nhất là doanh nghiệp nông thôn hiện mới có 2% trong tổng số doanh nghiệp chung của cả nước. Do đó, cần phải thúc đẩy nông nghiệp, đây là khu vực rất mới và nhiều dư địa của doanh nghiệp tư nhân.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự biến đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, doanh nghiệp tư nhân có lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp nhà nước ở chỗ quản trị tốt hơn, có quyền quyết định chủ động hơn. Doanh nghiệp tư nhân chỉ cần thể chế, minh bạch, Nhà nước phải đối xử công bằng, còn lại công nghệ có thể xoay xở, tiếp xúc được nhanh, chớp cơ hội và làm ngay.