Tiếp sức phục hồi kinh tế


Khai thác hiệu quả các FTA, cầu thế giới từng bước phục hồi; tiếp tục đa dạng chuỗi cung ứng… giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tiếp tục đà tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tiếp tục đà tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng

Trong 3 tháng đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng tạo đà cho xuất nhập khẩu hàng hoá.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34,01 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,3%).

Tính chung quý 1, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD (tăng 26,2%) và chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD (tăng 13,9%) và chiếm 72,9%. Đáng mừng là mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô).

Xuất khẩu khởi sắc, trong giỏ hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD có thêm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước nâng tổng số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên con số 16. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của các mặt hàng này chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%.

Tín hiệu tích cực khác trong quý 1 là xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 9,9 tỷ USD (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2023) và chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 82,02 tỷ USD (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023) và chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,18 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh sự tăng trưởng của các nhóm hàng, ngay trong quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD (tăng 26% so với cùng kỳ năm trước) và chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,7 tỷ USD (tăng 5,2%); thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD (tăng 16,3%)…

Kịp thời ứng phó với thách thức tiềm ẩn

Mặc dù các kết quả đạt được trong quý 1 rất khả quan tạo đà bứt phá cả năm, song Tổng cục Thống kê cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, khó khăn và thách thức còn tiềm ẩn.

Đó là kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023; xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác…

Trong khi các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững thì các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng. Đây tiếp tục là tiền đề để có những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó. Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.

Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn