Tiếp tục chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 355/QĐ-BNN-KH ngày 19/1/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được giao tại Quyết định số 13/QĐ-UBND-HC ngày 5/1/2023 của UBND Tỉnh và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp năm 2023, UBND tỉnh giao các ngành hữu quan, địa phương tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn và cụ thể hơn trong “chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”; trong “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”.
Trên tinh thần đó, tập trung triển khai Kế hoạch tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực và các ngành hàng lợi thế của từng địa phương. Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn; từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các loại cho giá trị cao; mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; tăng cường công tác khoa học công nghệ và khuyến nông; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chiến lược phát triển và định hướng tái cơ cấu ngành hàng chủ lực và ngành hàng tiềm năng của các địa phương.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp gia tăng năng lực sản xuất của ngành chế biến; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình đổi mới công nghệ chế biến nông sản, thủy sản (từ sơ chế, đến chế biến sâu) và kết nối với các vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị ngành hàng... Mặt khác, ưu tiên nguồn lực và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, về đa dạng sinh học, về truyền thống sản xuất nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị trên cùng đơn vị sản xuất”...
UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chủ trương tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Theo đó, các ngành hữu quan, địa phương phối hợp các viện, trường, nhà khoa học chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông thực hiện chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông mới kết hợp kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đối với nhiệm vụ phát triển chiến lược khoa học công nghệ trong sản xuất, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành hữu quan, địa phương chú trọng công tác nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Theo đó, chú trọng công tác chuyển giao khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ... đến người sản xuất. Nghiên cứu, đề xuất quy trình thay thế phân thuốc vô cơ trong quy trình sản xuất giúp giảm chi phí, giảm phát thải ra môi trường; nghiên cứu nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, bảo quản và chế biến nông sản, ưu tiên các đề tài khoa học công nghệ gắn trực tiếp với nhu cầu của người sản xuất, các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, tạo điều kiện hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp cần nghiên cứu, đề xuất cầu nối (kênh kết nối) giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà khoa học, với nhà doanh nghiệp (thương lái), nhà nông. Theo đó, giúp các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất gắn kết với nhau, dễ dàng trao đổi và tiếp nhận thông tin đa chiều liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: chuẩn hóa quy trình quản lý và sản xuất; hỗ trợ, phát triển tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp; tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong vận hành bộ máy; khẩn trương đưa chuyển đổi số vào quy trình quản lý và tổ chức sản xuất một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo theo tư duy mở của các viện, trường...