Thương mại điện tử đã thay đổi ngành nông nghiệp


Theo quan sát của ThS. Nguyễn Bình Minh - Giảng viên chính Bộ môn Thương mại điện tử (Trường Đại học Thương mại), ngày càng có nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. “Phải nói rằng thương mại điện tử đã giúp cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được biết đến nhiều hơn”, ông nói.

Kỹ năng của người dùng ngày càng tốt hơn

Phóng viên: Theo ông, đâu là những điểm sáng nổi bật trong bức tranh thương mại điện tử năm 2022?

Thương mại điện tử đã thay đổi ngành nông nghiệp - Ảnh 1

ThS. Nguyễn Bình Minh: Nhờ sức kéo của thị trường trong nước cùng các giải pháp khắc phục sau đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trên 8% và thương mại điện tử, hoạt động chuyển đổi số đều tăng trưởng trên 2 con số. Theo đó, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng xấp xỉ 20%, là mức cao trong khu vực Đông Nam Á và đứng trong top đầu trên thế giới.

Về điểm sáng, người dùng thương mại điện tử ngày càng có nhiều kỹ năng tốt, chuyên nghiệp hơn, ít xảy ra sự cố trong giao dịch hoặc nếu có thì cũng không nghiêm trọng. Các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng trưởng vẫn rất tốt dù có giảm tốc. Các công cụ thanh toán đã phổ cập tới người dùng, các điểm bán hàng trên mạng sử dụng thanh toán điện tử khá phổ biến.  

Ngoài ra, trong năm 2022, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tiến hành, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua trong năm nay. Việc này giúp kiến tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động thương mại điện tử.

Phóng viên:Theo ông, thương mại điện tử đã giúp lĩnh vực, ngành nghề nào thay đổi nhiều nhất trong năm qua?

ThS. Nguyễn Bình Minh: Đó chính là ngành nông nghiệp! Thực tế, có rất nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã đã đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Kỹ năng chuyển đổi số của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa được cải thiện.

Những công cụ đưa sản phẩm, dịch vụ địa phương “lên mạng” ngày càng được ứng dụng rộng rãi, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, nhất là sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Phải nói rằng thương mại điện tử đã giúp cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được biết đến nhiều hơn!

Cơ hội đan xen thách thức

Phóng viên: Năm 2023, thương mại điện tử  cơ hội tăng trưởng như thế nào?

ThS. Nguyễn Bình Minh: Trong khi các nền kinh tế trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn thì kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng cao, vì vậy thương mại điện tử cũng có đà tăng trưởng thuận lợi. Cơ hội rõ nhất là Việt Nam đang có tỷ lệ dân số vàng, dân số trẻ, kỹ năng chuyển đổi số của người dùng cũng rất tốt, nền tảng công nghệ của Việt Nam hiện nay cũng phù hợp với chuyển đổi số. Điều này giúp thương mại điện tử nước ta có thể tăng tốc nhanh hơn so với các quốc gia phát triển, bởi họ đang đối diện cơ cấu dân số bị già hóa lớn.

Ngoài ra, như tôi đã nói, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong năm nay sẽ tạo môi trường vận hành tốt hơn cho thương mại điện tử. Tuy nhiên, có cơ hội thì cũng sẽ có thách thức.

Phóng viên: Cụ thể những thách thức là gì?

ThS. Nguyễn Bình Minh: Nền kinh tế của chúng ta đang phản ứng tốt với những thay đổi của kinh tế thế giới, nên từ giờ đến giữa năm 2023 mức độ tăng trưởng sẽ duy trì được như năm 2022. Tuy nhiên, nếu các cuộc chiến tranh địa chính trị trên thế giới lan rộng thì nửa cuối năm 2023 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử có thể bị chững lại.

Bên cạnh đó, thông tin không chính xác, gian lận thương mại điện tử gia tăng cũng là thách thức lớn. Chúng ta hội nhập với nền kinh tế thế giới thì các quy định bảo vệ dữ liệu người dùng cũng khắt khe hơn, nhưng ở Việt Nam vẫn còn khoảng lệch tương đối lớn. Điều này khiến các công ty thương mại điện tử Việt Nam gặp nhiều trở ngại khi gia nhập các thị trường lớn. Nếu muốn vươn rộng ra thị trường thế giới, phải nghiên cứu kỹ hành lang pháp lý của những thị trường đó, nhất là những thị trường đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.  

Phóng viên: Theo ông, cần thực thi những giải pháp nào để thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng?

ThS. Nguyễn Bình Minh: Tôi cho rằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thương mại điện tử là vô cùng quan trọng. Đi cùng với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải điều chỉnh các văn bản dưới luật để phù hợp với các quy định mới.

Bên cạnh đó, cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số sớm và bài bản. Chúng ta chỉ mới ứng dụng chứ chưa khai thác sâu nên hiệu quả chỉ dừng lại ở mức ban đầu. Đơn cử như các doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ mới đưa sản phẩm lên được trên mạng chứ chưa có hoạt động quảng bá, định vị thương hiệu. Do đó, nếu có khóa đào tạo cho họ thì giao dịch thương mại điện tử sẽ ngày một mở rộng.

Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành, nghề trong chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn