Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020

PV.

Với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đề ra nhiệm vụ tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4). Tỉ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư toàn xã hội.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017. Xây dựng Đề án hoàn thiện thể chế lựa chọn sắp xếp thứ tự ưu tiên phê duyệt dự án đầu tư công và đánh giá hiệu quả sau đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025, trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 8/2018.

Hoàn thiện hệ thống quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế đảm bảo đến năm 2019 đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN-4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công. Tăng cường đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho vay lại gắn với tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Rà soát, công bố công khai nội dung, nhiệm vụ cần thu hút đầu tư của xã hội để có chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút đầu tư.

Hoàn thiện, triển khai thống nhất trên toàn quốc hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trái phiếu Chính phủ...); xây dựng quy định bảo đảm triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin; hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và địa phương sử dụng trong công tác quản lý, lập báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, suất đầu tư và giá trong lĩnh vực xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017. Xây dựng cơ sở dữ liệu giá xây dựng, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên cả nước theo đúng quy định.

Các bộ, ngành quản lý xây dựng các công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng chuyên ngành đảm bảo đồng bộ đáp ứng yêu cầu quản lý. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư của các ngành kinh tế để quản lý chặt chẽ, tiết kiệm đầu tư công.

Được biết, dự kiến, tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ động làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính về số bội chi ngân sách địa phương; số vốn tăng thêm dành cho đầu tư công (nếu còn nguồn); Việc sử dụng nguồn xổ số kiến thiết giai đoạn 2017-2020 cho các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi và các lĩnh vực cấp thiết khác của địa phương.

Đồng thời, tiếp tục rà soát lại các nguyên tắc, tiêu chí và xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trong phạm vi tổng mức đầu tư nêu trên; Cắt giảm các công trình, dự án có mức độ ưu tiên thấp hơn để tập trung bố trí vốn cho một số dự án lớn, quan trọng, có tính chất vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa lớn như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường tuần tra biên giới...

Bố trí thành mục riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 để bố trí cấp đủ phần cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý và tối thiểu 50% vốn điều lệ theo quy định cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội; Bố trí khoản dự phòng ngân sách theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015...