Tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình
Theo Bộ Tài chính, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục thực hiện với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu. Cùng với đó là thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/7/2016, đã có 43 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 tổng công ty thuộc: Bộ Công thương (2), Bộ Xây dựng (1), Bộ Quốc phòng (1) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2).
Tổng giá trị thực tế của 43 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 29.907 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 22.240 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 43 đơn vị là 21.680 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 10.332 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.114 tỷ đồng, bán cho người lao động 267 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 2,1 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 3.954 tỷ đồng.
Trước đó, giữa tháng 6 vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quyết định công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam, với giá trị thực tế của tổng công ty là 14.227 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 4.980 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2016, các đơn vị đã thoái được 2.870 tỷ đồng, thu về 5.632 tỷ đồng.
Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư). Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty thoái được 1.259 tỷ đồng, thu về 1.959 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên.
Cùng thời điểm, SCIC đã bán 1.229 tỷ đồng vốn cổ phần nhà nước, thu về 3.248 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, trong 7 tháng đầu năm 2016, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg.
Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành đầy đủ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao.
Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt.