Tiếp tục đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam

PV. (t/h)

Đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đặt ra từ những ngày đầu thành lập, vận hành thị trường. Đây tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 (Ngày 28/2/2024).
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 (Ngày 28/2/2024).

Tháng 7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã được khai trương, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam và tổ chức phiên giao dịch lần thứ nhất vào ngày 28/7/2020, đánh dấu sự ra đời chính thức của TTCK ở nước ta. Trong năm 2000, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được hình thành ngay và từng bước phát triển.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, số lượng cũng như chủng loại hàng hóa trên TTCK Việt Nam đã khá đa dạng và phong phú. Đến nay, TTCK Việt Nam đã thiết lập được: 01 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn lớn; 01 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn vừa và nhỏ; 01 thị trường giao dịch UPCoM; 01 thị trường trái phiếu doanh nghiệp; 01 thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt; và 01 TTCK phái sinh.

Tính đến cuối tháng 6/2024, TTCK Việt Nam là nơi niêm yết của 729 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cùng 878 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến cuối cuối quý II/2024 đạt 7,1 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023 và tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.

Đến nay, cấu trúc của TTCK đã tương đối hoàn chỉnh bao gồm thị trường huy động vốn (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu) và thị trường phân tán rủi ro (thị trường phái sinh) với những sản phẩm cơ bản đã phong phú hơn rất nhiều so với hai thập kỷ trước.

Để tiếp tục thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển một cách một cách bền vững, an toàn, ổn định, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế, việc đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường là nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều này, các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng, cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm đã đề ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Cụ thể:

Một là, phát triển thị trường cổ phiếu. Theo đó, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Hai là, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng mục tiêu huy động vốn của cơ quan phát hành và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm trái phiếu mới để đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.

Ba là, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng; vận hành thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tính minh bạch của thị trường.

Bốn là, phát triển thị trường trái phiếu xanh. Khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Năm là, phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới. Tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu; cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh...; hướng tới phát triển đa dạng các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau.

Sáu là, nghiên cứu, triển khai đa dạng các sản phẩm chứng khoán. Theo đó, nghiên cứu, triển khai đa dạng các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại sản phẩm cấu trúc, các loại chứng chỉ lưu ký, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của TTCK.